I. Người mù cưỡi ngựa mù là tự tìm đến cái chết
Dựa vào tin tức để phát tài là một "pháp bảo" không thể thiếu trong làm ăn buôn bán, không có thông tin thì người kinh doanh sẽ giống như người mù, khi tới ngã ba đường sẽ không biết đi lối nào cả.
Thông tin nhanh nhạy, sự nghiệp sẽ phát triển. Trong thời buổi thị trường biến động rất nhanh chóng, người kinh doanh phải có đủ năng lực ứng biến, kịp thời đưa ra những quyết sách chính xác, mà cơ sở của những quyết sách đó chính là lượng thông tin nhanh nhạy, nhiều, kịp thời và chuẩn xác. Thị trường thường xuất hiện một số tình trạng như sau: người tiêu dùng có tiền nhưng luôn phàn nàn không mua được sản phẩm vừa ý; ngược lại thì doanh nghiệp và các cửa hàng lại không bán được sản phẩm, lượng tồn đọng rất lớn. Nguyên nhân căn bản là sản phẩm không có đường tiêu thụ hợp lý, tạo ra hiện tượng sản xuất và tiêu dùng tách rời nhau. Rất nhiều người kinh doanh thiếu ý thức thông tin, không điều tra thị trường, sản xuất theo ý chủ quan của mình hoặc sản xuất theo người khác, kết quả là bị thất bại trong cạnh tranh. Một số nhà kinh doanh tuy rất coi trọng thông tin, nhưng thường không nhanh chóng đưa ra các quyết sách khi nhận được thông tin nên thường bị lỡ nhiều cơ hội tốt, hoặc do nhận được những thông tin không chính xác mà dẫn đến có những quyết sách sai lầm. Do vậy có thể thấy rằng: muốn có chỗ đứng trong thương trường, dứt khoát phải có ý thức thông tin thật cao, thông qua các biện pháp để nắm bắt được các thông tin hữu ích, từ đó nắm quyền chủ động trong thị trường. Nếu một nhà kinh doanh không kịp thời nắm bắt tình hình thiên biến vạn hóa của thị trường thì chắc chắn sẽ bị thất bại trong cạnh tranh.
Thông tin là nguồn tài nguyên đặc thù để cho các nhà kinh doanh kiếm tiền; nếu vận dụng nó chính xác thì sẽ có cơ hội phát triển kinh doanh rất tốt. Xã hội hiện đại thì thông tin là đặc trưng vận hành chủ yếu của nó, nếu không có thông tin thì không thể làm kinh doanh được. Nếu không nắm được thông tin chính xác sẽ làm cho hoạt động kinh doanh bị thất bại. Ở nước ngoài có một câu nói rất phổ biến là: Nắm chắc thông tin chính là nắm chắc vận mệnh của người kinh doanh, mất thông tin là mất cơ sở sinh tồn. Do đó, có thể nói rằng - những thông tin có hiệu quả là sinh mệnh của những người kinh doanh muốn làm nên sự nghiệp, chính nó mang lại nguồn của cải cho các nhà kinh doanh.
Thực ra, nhà kinh doanh cần sớm biết rằng thời đại mà chúng ta đang sống là thời đại nào? Rất nhiều người đều công nhận đó chính là thời đại thông tin, thông tin là linh hồn của sự nghiệp, là mấu chốt của thành công. Rõ ràng, cuộc cách mạng thông tin trên toàn thế giới đã đưa loài người bước vào kỉ nguyên mới, sự phát triển của bất kì quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào đều phải dựa vào sự phát triển của kỹ thuật thông tin, ai không nắm được thông tin sẽ chịu thiệt thòi, ai biết tận dụng mạng thông tin (tận dụng những thông tin hữu ích) người đó sẽ nắm được cơ hội phát tài.
Trong thương trường, mọi người đều phải tỉnh táo và cần biết rằng - thông tin có ở mọi nơi, thông tin mang lại của cải và sự phát đạt cho mọi người. Trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong báo chí, ta thường nghe thấy các thông tin như: chỉ một nguồn tin mà cứu sống được cả nhà máy, chỉ một nguồn tin mà kiếm ra được rất nhiều tiền, chỉ một tin mà biến một người nghèo thành người rất giàu..., những tin tức đó rất nhiều.
Có một câu chuyện đã được đăng tải trên báo chí rằng: Trọng Tùng trước kia là một viên chức của một công ty nọ, có một lần khi anh ta sang Đài Loan du lịch, vô tình nghe được câu chuyện - nói quả và lá non của cây Thạch lựu có thể chữa được bệnh đái đường và giảm béo. Anh ta rất phấn khởi và nghĩ rằng - do kinh tế ngày nay rất phát triển, cuộc sống khá sung túc, lượng mỡ và nhiệt lượng mà con người nạp vào cơ thể tương đối phong phú, nhưng một số người lại ít rèn luyện cho nên lượng mỡ trong cơ thể quá nhiều dẫn đến chứng béo phì và đái đường tăng lên, người mắc các chứng này bao gồm cả người già lẫn người trẻ và thiếu niên nhi đồng, do vậy nếu có loại thuốc khống chế được nó thì chẳng phải là quá tốt sao? Trọng Tùng đã mang cây Thạch lựu này về đại lục, mời một chuyên gia đến phân tích. Kết quả cho thấy loại cây này quả thật có tác dụng chữa trị được hai chứng bệnh nói trên, ngoài ra nó còn có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm thiểu sự tích mỡ trong cơ thể, có tác dụng tốt đối với sự phát triển của trẻ em. Trong đó, phần lá non của cây có tác dụng giảm béo rất mạnh, mạnh hơn cả những điều mà Trọng Tùng tưởng tượng. Trong niềm vui khôn xiết đó, Trọng Tùng tràn đầy tự tin đã bắt tay vào mở một "Công ty thực phẩm giảm béo và bệnh đái đường" Ở Tokyo - Nhật Bản. Anh ta đặt mua lượng lớn cây và lá non loại cây này từ nước ngoài, tiến hành xử lý và chế biến thành một loại chè mang hương vị đặc biệt, uống như chè mát rồi tung ra thị trường và rất được hoan nghênh, khách hàng đông nhất là chị em phụ nữ - những người luôn muốn có một thân hình thon thả quyến rũ. Anh ta đã phát tài lớn.
Đương nhiên, trong quá trình thu thập thông tin, người kinh doanh phải biết sàng lọc, phân tích, đánh giá những thông tin đó, nếu không sẽ rất dễ bị nhiễu loạn thông tin và dẫn tới sai lầm; bởi thông tin thường thật giả lẫn lộn, chớ nên nóng vội hễ nghe được thông tin là làm ngay, mà luôn phải giữ cho đầu óc hết sức tỉnh táo, trước tiên phải biết lựa chọn tin, làm rõ giá trị và độ thật giả của nó, sau đó căn cứ vào tình hình cụ thể để sử dụng.
Thông tin tràn ngập khắp nơi nhưng nó chỉ có giá trị với người biết sử dụng nó; một tin tức chuẩn xác, có giá trị sẽ làm cho người biết sử dụng nó đi tới thành công.
Năm 1973, một công ty nọ của Nhật Bản nhận được một nguồn tin của nhân viên tình báo ở Lusaka nói rằng -Zaire đã xảy ra một cuộc đảo chính quân sự, quân đảo chính đang tiến về mỏ đồng ở Zambia. Sau khi phân tích và phán đoán, họ cho rằng quân đảo chính nhất định sẽ cắt đứt giao thông. Sản lượng đồng mà khu mỏ đó sản xuất ra chiếm vị trí trọng yếu trên thị trường thế giới, nếu giao thông ở đó bị cắt đứt, tất sẽ ảnh hưởng tới giá đồng trên thế giới. Trong lúc đó, nguồn tin này hầu như chưa được giới truyền thông chú ý tới, giá đồng ở Luân Đôn vẫn giữ ở mức 860 bảng Anh một tấn. Thế là công ty này quyết định mua một lượng đồng lớn. Ít lâu sau, tình hình diễn ra đúng như vậy, quân đảo chính đã cắt đứt đường giao thông tới khu mỏ, giá đồng nhanh chóng lên cao tới mức 921 bảng một tấn. Lúc đó công ty mới tung hàng ra bán và đã kiếm được một khoản lời rất lớn.
Trong cuộc sống thực tế, những sự kiện khác thường có thể làm cho thị trường đột biến, người nào coi trọng việc thu thập và tìm hiểu các thông tin có liên quan, coi đó như một nội dung quan trọng để dự báo về thị trường thì không những kinh doanh tránh được thất bại mà có lúc còn thu lời rất lớn.
Thế nhưng, người kinh doanh tham gia cạnh tranh thị trường cần biết rằng, thu thập thông tin phải hiểu theo nghĩa rộng - thông tin phải từ nhiều nguồn, không thể chỉ thu thập những thông tin về kinh tế cụ thể mà phải thu thập thông tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đừng tỏ ra kém hứng thú đối với những thông tin có vẻ không liên quan đến kinh tế như ví dụ trên đã nói. Sở dĩ cần phải nhấn mạnh điểm này vì đất nước Trung Quốc hiện nay đang ở vào thời kỳ có rất nhiều thay đổi, sự thay đổi về chính sách có liên quan rất chặt chẽ đến vấn đề kinh tế, rất nhiều sự biến động của thị trường (ví dụ sự biến động về giá cả chẳng hạn) đều là do sự biến động về chính sách hoặc sự can thiệp hành chính mà ra chứ không phải là kết quả của việc điều tiết thị trường. Không còn nghi ngờ gì nữa, giả sử nhà kinh doanh chỉ biết vùi đầu vào kinh doanh, suất ngày chỉ chú ý tới chuyện mua vào, bán ra, lời lãi ra sao, tiền quay vòng thế nào v. v... mà không nắm bắt được tình thế thì rất có thể chỉ vì chính sách thay đổi mà lô hàng mua vào sẽ bị lỗ lớn do giá cả tụt xuống.
Nói đi nhưng cũng cần nói lại, về mặt chỉnh thể, hoạt động kinh doanh là một việc rất phức tạp, mỗi bước đi đều không thể sai lầm, nếu không chắc chắn sẽ thất bại; ta cũng phải suy nghĩ tới mọi tình hình bất lợi có thể xảy ra đối với mình. Người kinh doanh muốn thiết lập được một chỗ đứng để không bao giờ thất bại thì phải biết thông qua nhiều nguồn khác nhau để tìm hiểu các thông tin có liên quan đến kinh doanh của mình, chỉ có vậy mới đứng vững trong thương trường được, mới kiếm được tiền. Coi nhẹ thông tin giống như người câm điếc đi đường, chẳng nhìn và nghe thấy được gì cả và thất bại là lẽ đương nhiên đối với họ. Có người cho rằng việc làm ăn của mình rất khá nên không cần phải thu lượm tin tức làm gì, đó quả là người không biết nhìn xa trông rộng; người có cách nghĩ như vậy là người đã gần đến thất bại rồi.
II. Bốn nguyên tắc lớn trong thu thập thông tin của doanh nghiệp
Chỉ khi bạn rất cần tới nó thì thông tin mới có thể tiếp cận với bạn; nếu bạn không cần đến nó, chắc chắn nó sẽ không đến với bạn. Nếu bạn mở rộng tầm mắt để đi tìm nó, bạn sẽ thu thập được nó, bởi thông tin luôn ở trong trạng thái bị động, còn bạn lại nắm quyền chủ động trong tay. Chỉ cần bạn có ý thức thu thập thông tin và bắt tay vào hành động thì thông tin không thể lọt ra ngoài được. Nếu bạn không hành động, rất nhiều thông tin sẽ mất đi. Vậy khi thu thập thông tin, các doanh nghiệp cần chú ý những gì?
1 . Cần chủ động kịp thời
Trong thời buổi kinh tế hàng hóa hiện nay, mức độ gay gắt và khốc liệt của cuộc cạnh tranh ngày càng tăng lên, cho nên doanh nghiệp nào có ý thức và năng lực cạnh tranh, nhạy bén thông tin sẽ là người chiếm ưu thế trong thị trường; còn ngược lại sẽ bị rơi vào thế bị động. Vì vậy việc thu thập thông tin thị trường trước tiên phải suy nghĩ đến việc chủ động, kịp thời, nhanh chóng và linh hoạt.
Trong thời đại tin tức ngày nay, thông tin và hoạt động kinh tế thị trường của doanh nghiệp luôn gắn kết chặt chẽ với nhau, không thể tách rời nhau. Thông tin thị trường vốn thay đổi rất nhanh chóng, có thể chỉ trong thời gian ngắn đã không còn tác dụng và giá trị gì nữa. Phân tích theo quy luật thông thường, tính hiệu quả thông tin thị trường càng mạnh thì giá trị ứng dụng của nó càng lớn; còn những thông tin đã lỗi thời sẽ không có giá trị ứng dụng hiện thực, có lúc còn không còn có chút giá trị gì. Trong tình hình đó, doanh nghiệp muốn theo kịp thị trường để hoạt động kinh doanh của mình chiếm ưu thế thì phải tích cực; chủ động thu thập thông tin thị trường và xử lý kịp thời các loại thông tin. Chỉ khi doanh nghiệp chủ động mới thu được thông tin kịp thời.
Công tác thu thập thông tin thị trường có chủ động và kịp thời được hay không thể hiện ở chỗ tin thu được có kịp thời và mới không. Nói kịp thời có nghĩa là thông tin đó có thể phản ánh được hiện trạng hoạt động của kinh tế thị trường và khả năng có thể xảy ra trong tương lai, từ đó để người lãnh đạo đưa ra được các quyết sách, kế hoạch và nhận rõ những điểm khác nhau giữa hiện tại và tương lai. Còn những thông tin mới là những thông tin do doanh nghiệp thu thập được nhưng chưa được người khác phát hiện và sử dụng, nó có đặc điểm độc đáo, có thể phản ánh chuẩn xác và nhanh chóng cá tính của sự việc nào đó. Những thông tin thu được một cách quá dễ dãi hầu như ít có giá trị.
Sản phẩm có vai trò rất quan trọng đối với một doanh nghiệp, nó ảnh hưởng tới thị phần của doanh nghiệp sau khi sản phẩm đó được doanh nghiệp tung ra thị trường. Vì vậy doanh nghiệp phải đặc biệt chú ý tới nó, cần phải theo một nguyên tắc chung là "Người khác không có chỉ ta có; người khác có nhưng của ta lại ưu việt hơn; người khác ưu việt thì ta càng phải ưu việt hơn họ". Và trong lĩnh vực thu thập thông tin ta cũng phải thực hiện theo nguyên tắc này, có nghĩa là ta phải thu được những thông tin khác với người khác, đào sâu suy nghĩ những thông tin mà người khác không chú ý tới để kịp thời phát hiện ra giá trị của nó và nhanh chóng sử dụng vào kinh doanh. Những tin tức có giá trị cao (ưu việt) có giá trị tham khảo rất tốt trong khi doanh nghiệp đề ra các quyết sách v. v...
Trong nền kinh tế hàng hóa hiện nay, công tác thu thập thông tin của các doanh nghiệp phải thỏa mãn các nhu cầu của hoạt động sản xuất kinh doanh, lấy hoạt động này làm trung tâm để triển khai công tác nhanh chóng và linh hoạt, cố gắng làm theo nguyên tắc thu thập thông tin một cách chủ động, kịp thời.
2. Phải chân thực, đáng tin cậy
Mục đích thu thập thông tin của doanh nghiệp không ngoài việc ứng dụng nó để làm chỗ dựa cho các quyết sách nhằm phát triển kinh tế. Trong thời đại thông tin bùng nổ hiện nay, thông tin thị trường có liên quan tới rất nhiều mặt trong lợi ích thiết thân của các doanh nghiệp. Riêng với Trung Quốc, do cách thức vận hành kinh tế thị trường chưa chín muồi nên vẫn xuất hiện hiện tượng bản chất kinh tế và hiện tượng kinh tế không hoàn toàn thống nhất với nhau, cộng thêm nguyên nhân khi thông tin được truyền đi đã mất độ chân thực nên không tránh khỏi việc xuất hiện những thông tin giả không phù hợp với hiện thực khách quan. Đối với một doanh nghiệp, tin giả gây nguy hiểm lớn hơn so với không có tin, vì vậy khi thu thập thông tin cần phải tuân theo nguyên tắc thực sự cầu thị.
Muốn có được những thông tin đáng tin cậy, chân thực, chuẩn xác theo nguyên tắc thực sự cầu thị thì việc đầu tiên mà các doanh nghiệp phải làm là đi sâu vào thực tế, làm việc phải thận trọng, tỉ mỉ. Điều đáng sợ nhất khi thu thập thông tin là chỉ dựa vào một điểm nhỏ, dựa vào những tin tức tản mạn, không đủ toàn diện để ghép nối lại, biến cái cá biệt thành cái chung, cái cục bộ thành tổng thể. Việc thứ hai cần làm là chớ tiếp nhận thông tin một cách quá dễ dãi - phải kiểm tra, phân tích, làm rõ, đánh giá bản chất của tin tức. Điều thứ ba là phải dũng cảm đối mặt với sai lầm, không phủ định sai lầm, không quá cứng nhắc, kiên trì nguyên tắc thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm chân lý. Chỉ có làm được những điều nói trên mới có thể có được các tin tức chân thực và đáng tin cậy.
3. Cần phải toàn diện, hệ thống
Các loại thông tin đều là biểu hiện và phản ánh của hoạt động trao đổi hàng hóa và không thể tách rời với những hoạt động đó. Do đó, khi thu thập thông tin, doanh nghiệp cần lấy mục tiêu toàn diện hệ thống làm tiền đề để lựa chọn cho chuẩn xác. Hoạt động kinh tế trong phạm vi nhỏ tuy mang tính ngẫu nhiên và bất quy tắc nhất định nhưng nếu ta xem xét nó ở góc nhìn rộng lớn sẽ phát hiện nó không phải là hỗn loạn, không có trật tự mà nó có những quy luật riêng ngay bên trong bản thân nó rất khó thay đổi. Sự trao đổi trong thị trường vốn là một hệ thống lớn có quy luật của nó, các phần nhỏ tạo ra nó cũng tự lập thành những hệ thống nhỏ. Khi doanh nghiệp thu thập thông tin cần hết sức chú ý tới điểm này, cần làm một cách toàn diện, hệ thống, không được phiến diện, biến cái cục bộ thành tổng thể. Trong quá trình thu thập thông tin; cần phải nhìn nhận mối quan hệ mang tính bản chất của các hiện tượng kinh tế bằng quan điểm toàn diện, phát triển và ràng buộc với nhau, để làm sao cho lượng tin thu được phải mang tính toàn diện và hệ thống.
4- Cần mang tính đối mặt trực tiếp
Trong các hoàn cảnh phát triển kinh tế khác nhau thì thứ tự của thông tin theo nhu cầu của doanh nghiệp cũng khác nhau. Một loại thông tin không thể thích hợp với tình hình phát triển chung của doanh nghiệp được. Khi doanh nghiệp tiến hành thu thập thông tin về thị trường cần phải xuất phát từ việc thỏa mãn nhu cầu về thông tin của doanh nghiệp đó. Cần căn cứ vào nhu cầu thực tế của mục tiêu sản xuất kinh doanh trong từng thời kỳ để sàng lọc - từ nguồn thông tin khổng lồ lựa chọn ra những điều có giá trị sử dụng lớn, có thể mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp. Thu thập thông tin dạng này có thể mang lại một nửa thành công cho sự phát triển kinh tế của doanh nghiệp, vừa thỏa mãn được nhu cầu thông tin lại vừa có thể nâng cao hiệu quả của việc đưa những thông tin đó vào trong sản xuất.
Muốn thu thập được thông tin theo dạng này, doanh nghiệp cần phải tính toán được năng lực kinh doanh sản xuất, ưu - khuyết điểm của sản phẩm, nhiệm vụ chủ yếu hiện nay và trong tương lai, phương hướng phấn đấu chủ yếu và cả những khâu yếu kém của mình. Không chỉ có vậy, doanh nghiệp còn phải hiểu được môi trường bên ngoài ra sao, điều kiện thị trường mà doanh nghiệp sắp phải đối mặt với những tình hình cơ bản của người tiêu dùng và những đối tượng cạnh tranh với mình như thế nào nữa.
III. Bảy bí quyết lớn trong công tác thu thập thông tin
Có rất nhiều con đường để có thể thu thập được thông tin, nhưng tựu chung lại có bảy bí quyết sau đây:
1 - Điều tra thị trường
Hầu như phần lớn các doanh nghiệp có tên tuổi mỗi năm đều tiến hành điều tra thị trường một hoặc nhiều lần. Có thể nói rằng đây là con đường trực tiếp nhất, có hiệu quả nhất để có được những thông tin về thị trường. Doanh nghiệp có thể cử ra một bộ phận để làm công tác này hoặc ủy thác cho một cơ quan nghiên cứu nào đó tiến hành công việc này nhằm thu thập các thông tin một cách kịp thời, toàn diện và có hệ thống.
2- Thu thập qua các cơ quan truyền thông
Có bốn cơ quan truyền thông quan trọng nhất là báo chí, phát thanh, truyền hình và mạng Internet mà trong đó đăng tải rất nhiều những thông tin, quảng cáo và giới thiệu sản phẩm... Ở nước ngoài, các công ty lớn thường nhờ cậy tới những công ty thu tin chuyên nghiệp hoặc mạng lưới tình báo chuyên nghiệp, mượn tay họ để thu thập những tin tức tình báo kinh tế (nước Mỹ là một điển hình), trung tâm tình báo nước ngoài thông qua mạng máy tính tạo nên rất nhiều hệ thống thu thập tin tức và cả kiểm soát tin tức.
3. Thu thập thông tin quan trọng
Qua các hội nghị triển lãm sản phẩm của các doanh nghiệp, các buổi kí kết hợp đồng đặt hàng, các bản tin mới, các hội nghị khoa học có liên quan và các hội nghị khác của Chính phủ.
Qua những hội nghị này, tình trạng kinh doanh, kỹ thuật sản xuất, mở rộng sản phẩm... của doanh nghiệp đều có thể bị tiết lộ ra ngoài; từ đó có thể biết được về một sản phẩm mới của một doanh nghiệp nào đó, tiếp tục tiến hành nghiên cứu về nó là có thể nắm được các bí mật.
4. Phân tích qua nhiều góc độ đối với những thông tin thông thường
Tưởng tượng mang tính sáng tạo là một thứ hình thức đặc thù của trí tưởng tượng của con người, vận dụng nó để nắm bắt tin tức thường phải thông qua sự can dự của trí tưởng tượng đó, làm cho tư duy sản sinh ra tính phương hướng, tính lựa chọn, tính mẫn cảm rất mạnh mẽ, từ những sự việc bình thường phát hiện ra những cái không bình thường trong đó để từ đó dự đoán được xu thế phát triển của thị trường. Ví dụ, công ty Nisik vốn là một công ty nhỏ đang bên bờ vực của sự phá sản, nhưng sau khi vị giám đốc đọc được một tin về cuộc điều tra nhân khẩu của Nhật Bản đã biết - hàng năm Nhật Bản bình quân có 2,5 triệu trẻ em ra đời, ông ta đã chuyển sang kinh doanh tã lót trẻ em và trở thành một "Đại vương" của sản phẩm này trên toàn thế giới.
5. Mượn cớ để thu thập tin tức
Nói mượn cớ là dùng để chỉ việc tận dụng các cuộc hội họp, thăm quan trao đổi học thuật và nghiệp vụ hoặc dưới danh nghĩa hợp pháp như phóng viên, khách du lịch, nhân viên các văn phòng đại diện để che dấu mục đích thu thập tình báo kinh tế. Phương thức chủ yếu thường dùng là các cuộc trao đổi khoa học kỹ thuật, các cuộc thăm quan, các cuộc trao đổi mậu dịch hoặc dùng vật chất để mua chuộc, moi tin.
6. Hỏi vòng vèo
Trong lĩnh vực thu tin tình báo kinh tế, đây là một phương pháp tương đối có hiệu quả. Sự khốc liệt và căng thẳng của cuộc cạnh tranh thị trường làm cho các nhà doanh nghiệp phải vắt óc ra tìm mọi biện pháp giữ và bảo vệ bí mật cho doanh nghiệp mình, do vậy biện pháp này không đạt hiệu quả lớn như trước kia nữa. Ngày nay, sử dụng biện pháp này sẽ làm cho đối tác tuy có đề phòng nhưng cũng không thể đề phòng triệt để được, chỉ qua sự cố ý hoặc hoàn toàn không tự giác mà tiết lộ bí mật của mình cho bên kia biết.
7. Mua chuộc bằng tiền
Những ông chủ có con mắt tinh đời để có được một thông tin có giá trị về kinh tế hay kỹ thuật thường không hề tiếc tiền. Tuy phải trả giá thật nhưng cái được sẽ lớn hơn rất nhiều lần số phải bỏ ra.
Một doanh nghiệp muốn giành thắng lợi trong cạnh tranh, một trong những điểm mấu chốt là người đề ra quyết sách cần phải nhanh chóng chuyển những thông tin nắm bắt được thành năng lực sản xuất kinh doanh, nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội; hoặc nếu để đối tác cạnh tranh nắm được trước sẽ làm cho mình rơi vào thế bị động mà để mất đi năng lực cạnh tranh. Do đó, tăng cường ý thức thông tin, nắm tin chuẩn xác, nâng cao năng lực xử lý thông tin là điều tất yếu.
Nhưng ngày nay là thời đại thông tin, tuy lượng tin tức rất nhiều nhưng sử dụng nó như thế nào, phân loại chúng một cách khoa học ra sao để sử dụng lại đòi hỏi doanh nghiệp phải lập ra một cơ cấu thu và xử lý tin thật hiệu quả. Tin tức phục vụ doanh nghiệp thường được chia ra làm mấy loại sau:
(l) Tin tức về sản xuất: Đó chủ yếu là những tin tức phản ánh quá trình từ nguyên vật liệu đến thương phẩm; bao gồm các thông tin về mua bán, kế hoạch sản xuất, quản lý chất lượng, quá trình lưu thông v. v...
(2) Tin tức tài chính kế toán: Đây là những thông tin phản ánh tình trạng sử dụng đồng vốn và công tác tài chính của doanh nghiệp. Loại thông tin này gồm sáu yếu tố lớn: Tài sản, khoản nợ, quyền lợi, thu nhập, chi phí và lợi nhuận cùng những mối quan hệ giữa chúng với nhau, nhưng thông tin quan trọng nhất trong lĩnh vục này là những thông tin về lưu lượng tiền mặt.
(3) Tin tức về tài nguyên: Đó là những thông tin về sức người và sức của, vì nhân tài là một trong những điều kiện quan trọng của sự sinh tồn và phát triển của doanh nghiệp. Các nhà kinh doanh phải hiểu rõ về tình trạng phân bổ và sử dụng con người nhất là các nhân tài trong doanh nghiệp của mình. Còn các thông tin về sức của (vật chất) thì chủ yếu bao gồm các nguyên vật liệu, trang thiết bị và các loại máy móc dùng trong sản xuất của doanh nghiệp.
(4) Thông tin về môi trường: Loại tin tức này bao gồm hai mặt: thứ nhất là hình thức kinh tế chính trị trong và ngoài nước, tình hình văn hóa xã hội, môi trường pháp luật v.v...; thứ hai là thông tin về thị trường, ví dụ như nhu cầu và tình trạng cạnh tranh trong thị trường, các tình hình cơ bản và lượng phân bố đối với các hộ tiêu dùng nói chung.
(5) Thông tin kỹ thuật: Đó là những thông tin cơ sở về kĩ thuật sản xuất của doanh nghiệp - có nghĩa là sản phẩm đó được sản xuất trên cơ sở kĩ thuật nào, có nơi nào cùng sản xuất sản phẩm đó không, các biện pháp kĩ thuật, năng lực mở rộng và khâu tổ chức về vấn đề này. . . , nó còn bao gồm cả những thông tin về sự phát triển của khoa học kĩ thuật khác có liên quan, phương hướng phát triển ra sao, những ứng dụng khoa học kĩ thuật hiện đại để tăng năng lực sản xuất, rút ngắn thời gian sản xuất, nâng cao hàm lượng kĩ thuật trong sản phẩm làm ra.
Trước mắt, doanh nghiệp muốn đẩy mạnh khâu quản lý các tin tức tình báo, cần phải làm tốt mấy mặt công tác sau:
(1) Xây dựng kiện toàn cơ cấu tình báo kinh tế của doanh nghiệp, hình thành mạng lưới thông tin kết hợp trong ngoài. Hiện nay, rất nhiều các doanh nghiệp trong nước đã xây dựng được cơ cấu này, nó được kế thừa từ những bộ phận thu phát tin tức tình báo và các bộ phận chức năng trợ giúp khác từ thời còn nền kinh tế kế hoạch hóa, nhưng nó mới chỉ được thành lập do nhu cầu về khoa học kĩ thuật của các doanh nghiệp, còn lâu mới đáp ứng được nhu cầu thực tế của công tác tình báo kinh tế. Vì vậy cần khẩn trương thành lập một Trung tâm tình báo kinh tế để tăng cường mở các mối quan hệ với bên ngoài, hình thành nên một mạng lưới thu thập thông tin với nhiều kênh, có sự kết hợp trong ngoài và nhiều tầng, nhiều lớp.
(2) Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ những người làm công tác này, nhanh chóng nâng cao các tố chất cho họ để có thể trở thành những người chuyên nghiệp. Do đó, trước tiên cần phải bồi dưỡng nghiệp vụ một cách có tổ chức, có kế hoạch và có trọng điểm những nhân viên hiện có, để cho họ nắm chắc được các kỹ năng cơ bản trong các khâu thu thập, truyền đạt, phân tích, xử lý các thông tin tình báo.
(3) Tăng cường đầu tư chi phí cho công tác này, nhưng trước hết phải làm cho các nhà ra quyết sách thay đổi quan niệm, nâng cao nhận thức, thấy rõ tầm quan trọng của công tác này mới có những sự đầu tư thích đáng được; đồng thời phải trang bị cho các nhân viên những trang thiết bị hiện đại, tiên tiến đủ sức để thu thập, phân tích, xử lý các thông tin thu được.
IV. Nhìn và lắng nghe từ bốn phương tám hướng
Khi đưa ra các quyết sách thì việc điều tra thị trường một cách đầy đủ là một điều kiện thiết yếu. Càng nắm chắc, nắm chuẩn xác tình hình thị trường bao nhiêu thì các quyết sách đề ra càng đúng đắn bấy nhiêu. Đề ra quyết sách phải biết kết hợp tình hình thị trường trong và ngoài nước, việc điều tra thị trường là con đường trực tiếp nhất và hiệu quả nhất trong việc thu thập tin tức.
Trước tiên phải thành lập một cơ cấu tổ chức chuyên môn làm công tác này với mục tiêu là đi sâu điều tra những người tiêu dùng trong thị trường; đặc biệt cần nghiên cứu đặc điểm, yêu cầu của họ, nắm chắc số lượng yêu cầu, dự đoán xu thế thay đổi trong tiêu dùng, lấy đó làm chỗ dựa đáng tin cậy để đề ra các quyết sách trong kinh doanh.
Ngoài ra, cần căn cứ vào tài liệu điều tra để đặt ra kế hoạch sản xuất và lưu thông tương ứng nhằm thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong lĩnh vực này, cần phải ý thức được rằng "tin tức là cơ hội". Như vậy, chỉ cần mình cho là thiết yếu thì phải tìm cách nắm lấy thông tin, cũng chính là nắm lấy cơ hội tốt. Trước khi đưa ra một sản phẩm và chế độ phục vụ kèm theo cần phải xác định được phạm vi nhu cầu của khách hàng để đảm bảo có thể thỏa mãn được những nhu cầu đó. Nhưng nên nhớ rằng để đảm bảo được điều đó không phải là chuyện dễ, vì nhu cầu của khách hàng luôn luôn thay đổi. Do đó, doanh nghiệp cần thường xuyên suy nghĩ xem sản phẩm đó đã thỏa mãn được nhu cầu của khách hàng hay chưa, có thỏa mãn được nhu cầu hiện tại và cả sau đó nữa không? Nếu không nắm chắc được điều này sẽ không thể bước vào cuộc cạnh tranh được. Ví dụ như sau khi suy nghĩ tới nhân tố biến động theo mùa vụ thì động thái của nó ra sao? Động hướng của các doanh nghiệp khác cùng sản xuất mặt hàng đó thế nào, xu thế tiêu dùng theo hướng nào, liệu có thể mở ra các hướng tiêu thụ mới được không... tất cả các vấn đề đó đều phải thông qua điều tra thị trường mới có thể biết được.
Rất nhiều các doanh nghiệp của nhiều nước, đặc biệt là những nước phát triển đều rất coi trọng công tác này, họ lập ra một cơ quan chuyên điều tra thị trường. Cách làm chung của họ là căn cứ vào trình tự công tác để tập hợp, xử lý các kết quả của công tác điều tra thị trường rồi trình lên bộ phận sản xuất và người ra quyết sách. Nội dung cần điều tra liên quan tới rất nhiều mặt, nhưng phàm là những thông tin có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đều phải được thu thập và nghiên cứu.
Có hai điểm xuất phát của điều tra thị trường: một là nếu doanh nghiệp là bên mua thì phải điều tra thị trường nguyên vật liệu, kĩ thuật và các sản phẩm cần mua khác; hai là - nếu là bên bán thì phải điều tra thị trường tiêu thụ của sản phẩm, nghĩa là để không phải mua đắt hoặc bán rẻ.
Đó là việc điều tra cơ bản nhất, nếu đi sâu hơn, ta còn cần phải điều tra thêm môi trường, xu thế phát triển của hai thị trường đó để trước khi đưa ra các quyết sách sẽ tránh được những tổn thất do thiếu thông tin sinh ra.
Hình thức điều tra thị trường thông thường dùng cách hỏi theo lối cuốn chiếu, tốt nhất là dùng biện pháp rút thăm có thưởng để thu hút khách hàng điền vào các phiếu in sẵn, nhưng cần nhớ là mình đề nghị họ cung cấp thông tin chứ không phải là buộc người ta nói thông tin cho mình, cho nên khi tiến hành phải rất lịch sự, nhã nhặn, đừng làm cho họ bực mình.
Hiện nay đang phổ biến một phương pháp "tùy ý thu thập tin tức", các doanh nhân phương Tây rất thích kiểu thu tin trong các tiệm cà phê hoặc tiệm rượu. Một số giám đốc công ty ở Mỹ thường có thói quen trước khi đi làm, vào các tiệm ăn hoặc tiệm cà phê vừa ăn uống vừa nói chuyện, chính lúc đó là lúc tin tức được giao lưu nhiều nhất. Họ tin rằng, chỉ khi nào bạn cần mới có thể thu nhận được thông tin, còn nếu không cần thì nó sẽ chẳng đến với bạn. Nếu khi bạn đang đói cần phải tìm mọi cách để kiếm miếng ăn thì thông tin tự nó sẽ tiếp cận bạn. Nếu luôn luôn thức tỉnh ý thức thu thập tình báo của các nhân viên cung tiêu và nhân viên điều tra thị trường, chắc chắn sẽ được các thông tin mà mình cần sớm hơn các doanh nghiệp khác.
Trong khối lượng thông tin khổng lồ đó, bất kỳ thế nào cũng cần phải nắm chắc được các thông tin mà mình cần sớm hơn hơn người khác. Có lúc cũng cần phải đấu tranh với các công ty khác bằng hình thức này hay hình thức khác, kể cả bịa đặt thông tin, đánh lạc hướng các đối tác cạnh tranh khác.
Tóm lại, chỉ cần có được một tin tình báo thì từ đó có thể thu thập được các tin khác có liên quan tới nó. Cần phải tìm tới mọi ngóc ngách để thu thập thông tin và tập hợp chúng lại thành những thông tin cần thiết. Còn về việc lựa chọn tin tức, không thể giới hạn ngay khi bắt đầu đã phải thu được những tin quan trọng, có chất "lượng". Đương nhiên tin tức "chất" phải quan trọng hơn lượng, nhưng cái "chất" đó phải phù hợp với nhu cầu mới là đáng quý nhất. Nhưng nếu quá coi trọng những thông tin thu thập được ngay tại hiện trường dưới hình thức những con số, tài liệu (tức là thông tin phi ngôn ngữ) thì những tài liệu, con số mà đối tượng bày sẵn trên bàn đó chưa hẳn đã có giá trị, nhiều khi còn bị mắc lừa nữa.
Lợi dụng mối quan hệ chung cũng là một phương pháp thu tin quan trọng, bởi vì chính mối quan hệ này là mối quan hệ rộng rãi, có thể cải thiện mối quan hệ cả đối nội và đối ngoại của doanh nghiệp, làm cho mọi hành vi của doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu của công chúng, tạo dựng nên hình tượng tốt đẹp trong công chúng và còn có thể tạo cho họ sự hiểu biết và lòng tin đối với doanh nghiệp của mình, nâng cao lợi ích của doanh nghiệp nói riêng và lợi ích của xã hội nói chung. Nếu một doanh nghiệp có được mối quan hệ đối nội, đối ngoại tốt đẹp sẽ có thể tạo ra được nhiều kênh thông tin khác nhau để qua đó thu thập được nhiều thông tin kịp thời và chính xác, có giá trị cao.
Nắm bắt tin tức là con đường sống còn để phát triển của các nhà kinh doanh. Nếu không có một bộ óc linh hoạt và một tư duy nhạy bén thì không thể thích ứng với cuộc cạnh tranh thương trường gay gắt này.
Có thể thu được các thông tin qua các cuộc giao lưu, mà đã là giao lưu thì hai bên cùng phải trao đổi, nếu một người theo đuổi một lượng thông tin rất lớn nhưng lại chỉ giành cho người khác một lượng rất ít thì rõ ràng cách đó không tốt, cuối cùng sẽ có thể là cái được cũng chẳng nhiều mà cái cho đi cũng rất ít. Trong việc trao đổi thông tin, nếu thật thẳng thắn thì sẽ kích thích sự thẳng thắn của đối tác nếu dè dặt thì đối tác cũng sẽ dè dặt, nếu có thái độ thù địch thì chắc chắn đối tác cũng sẽ áp dụng thái độ thù địch với mình.
Có sáu chiêu thức thu tin trong khi giao lưu:
(l) Đã biết rõ rồi nhưng vẫn hỏi: Nếu đối tác tỏ ra ấp úng, trả lời không rõ ràng thì một là ta làm rõ được ý đồ đối tác và hai là ta chỉ mất thời gian vô ích, cũng có thể đối tác cần tới bạn nhưng lại chẳng hiểu gì về bạn cả.
(2) Nhắc lại câu hỏi: Làm như vậy chẳng những có thể phát hiện ra mâu thuẫn trong câu trả lời về một vấn đề của đối tác, đồng thời qua đó để tìm hiểu phẩm chất, tính cách của đối tác.
(3) Đưa ra việc này để nói việc kia: Bình thường, khi cung cấp thông tin cho người khác nhưng tuyệt đối không được gây tổn thất cho mình, cho nên cần coi thông tin là vật trao đổi tốt nhất, có được thì tất phải có mất mà!
(4) Cần chú ý xem tin tức đến từ người nào và từ đâu. Đối phương và địa điểm mà bạn trao đổi có quan hệ rất lớn đến những thông tin mà bạn thu thập được.
(5) Tung tin thăm dò: Đề nghị đối tác cung cấp những thông tin không hề liên quan gì đến để thăm dò xem đối tác ứng phó với những yêu cầu đó như thế nào, điều này có thể phản ánh một cách tương đối chuẩn xác tính cách của đối tác và xem họ có thành thực hay không?
(6) Tìm tòi xem trong những con số thu thập được có ẩn ý gì không.
Điều kiện để tiếp nhận thông tin và tri thức là cần phải phát hiện ra người có thông tin và tri thức. Thoạt đầu, hẳn bạn chưa biết ai là người có thông tin; do đó, bạn cần tiếp xúc với nhiều loại người, nhất là người bình thường chưa hề có quan hệ gì với mình cả. Bởi vì những người bạn đã tiếp xúc nhiều thì hầu như bạn đã hiểu về họ. Bạn cần tìm đến những người làm khác nghề với bạn, kể cả những người khác giới và tuổi tác chênh lệch tương đối lớn.
Ta còn phải dựa vào bản thân và đôi tai của chính mình để thu thập tin tức về thị trường; dù là những người rất đáng tin cậy cũng không thể mãi mãi tin cậy được - vì sự tồn tại và phồn vinh chung, những người cùng hợp tác với mình cũng sẵn sàng cung cấp cho chúng ta những tin tức của người khác nhằm phát triển những sản phẩm cạnh tranh của mình hoặc nhanh chóng áp dụng những biện pháp có được để đẩy nhanh việc lưu thông sản phẩm của mình. Nhưng những người này họ không bao giờ đưa ra những sự việc bất lợi cho bản thân họ. Vì vậy phải tìm mọi cách để tìm ra nhiều con đường khác nhau chứ không thể hạn chế trong một nguồn cung cấp thông tin nào đó.
V. Bám sát trào lưu, lên mạng dò tìm việc
Tài nguyên thông tin của các công ty tư nhân cần phải thuận theo trào lưu của thời đại, phải mang tính khoa học.
Ngày nay, kinh tế tri thức đang đến gần, cùng với việc máy tính đang phổ cập tới mọi gia đình, kỹ thuật mạng đang thấm sâu vào mọi lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội. Các doanh nghiệp (kể cả các doanh nghiệp nhỏ) có được và sử dụng thông tin đều không tách rời với kĩ thuật mạng. Người ta có thể tìm kiếm người tiêu dùng, các tư vấn, giao dịch qua mạng. Tóm lại, kĩ thuật mạng làm cho các doanh nghiệp nhỏ không cần phải vào một hệ thống thương mại lớn, cũng không cần phải tốn chi phí quảng cáo đắt đỏ làm gì, cũng không cần nhiều nhân viên tiếp thị tiêu thụ sản phẩm cũng vẫn có thể tiếp xúc được với lượng khách lớn trong phạm vi toàn cầu. Đây thật là điều kỳ diệu.
Đơn cử một ví dụ: thành phố sản xuất quần áo da ở Hải Ninh tỉnh Triết Giang sau khi mở trang Web trên mạng đã truyền thông tin đi khắp thế giới với tốc độ rất nhanh và nhanh chóng mang lại hiệu quả lớn. Họ đã giới thiệu trong trang Web của mình 17 loại quần áo da của cả nam và nữ (kiểu dáng và giá cả...) và chỉ không đầy hai giờ sau đã có hơn một chục cửa hiệu thời trang của nước Anh gửi thư điện tử, fax đến đặt hàng. Chỉ trong hơn nửa năm sau đã có tới 5600 khách hàng thuộc các nước Nhật, Mỹ, Ý, Đan Mạch... và một số vùng lãnh thổ khác hợp đồng đặt hàng, trong đó có tập đoàn "Bão tuyết" đã thực hiện một hợp đồng trị giá tới hơn một trăm triệu.
Một ví dụ khác: tại thành phố Vũ Tiến tỉnh Giang Tô có một thanh niên nông dân tên là Từ Minh Hoa, anh đã đi đầu và vận động bà con nông dân trong vùng trồng loại cây mướp dùng để bào chế thuốc đã làm cho nông thôn quê anh thoát khỏi nghèo đói trở nên giàu có. Năm 1977, anh ta đã đưa thông tin về sản phẩm của mình lên mạng toàn cầu và vì vậy 80% sản phẩm của anh đã được tiêu thụ ở trên 20 nước và khu vực thuộc châu Âu, châu Mỹ và Nhật Bản...
Những ví dụ dạng này xuất hiện rất nhiều trong những năm gần đây ở Trung Quốc. Cho dù viễn cảnh của việc buôn bán trên mạng vô cùng hấp dẫn, nhưng trong giai đoạn hiện nay, rất nhiều (có thể nói là phần lớn) những doanh nghiệp nhỏ của Trung Quốc còn lạc hậu trong lĩnh vực này và thua kém nước ngoài rất xa. Điều này cũng giống như nhìn thấy các loại xe con của nước ngoài đang chạy trên đường cao tốc, còn bản thân xe của mình lại không biết làm thế nào để hòa nhập vào dòng xe cộ đó được ở nước ngoài, tất cả các doanh nghiệp đã sử dụng kĩ thuật mạng một cách rất thuần thục, còn ở Trung Quốc hiện nay cũng mới bắt đầu từ điện toán hóa đơn thuần bước sang phát triển đến MIS và hiện mới đang triển khai loại hình thương mại điện tử (e-business) mà thôi. Điều này khiến cho các doanh nghiệp nhỏ càng thêm lo lắng, các ông chủ những doanh nghiệp đó rất muốn biết làm thế nào để mình cũng có thể hòa nhập vào đường cao tốc được? Việc thiết lập mạng, lên mạng (kể cả mạng nội bộ) ra sao? Kĩ thuật thông tin tiên tiến làm thế nào để giải quyết những vấn đề khó khăn thực tế đó của các doanh nghiệp?
Vậy thì "đường vào” của các doanh nghiệp nhỏ ở đâu? Trước tiên cần phải đào tạo, bồi dưỡng các nhân tài có kĩ thuật xử lý thông tin máy tính với những tố chất nhất định. Việc thông tin hóa về căn bản chính là thông tin hóa của các nhân tài trong doanh nghiệp, có nghĩa là phải có nhân tài trong lĩnh vực này, chỉ có vậy mới có thể kết hợp chặt chẽ được với các đặc điểm tự thân của doanh nghiệp và nắm chắc phương hướng phát triển của thông tin hoá. Trong nội bộ doanh nghiệp, dù cho công việc này được triển khai ra sao, nếu không có các nhân tài máy tính của chính mình là không thể được. Đào tạo và bồi dưỡng nhân tài là một công việc lâu dài, nhưng là việc bắt buộc phải làm. Đồng thời với việc này, doanh nghiệp còn cần phải cải tiến kĩ thuật và thúc đẩy hiện đại hóa khâu quản lý. Một nhân tố quan trọng quyết định thông tin hóa doanh nghiệp là phải thông tin hóa phương thức sản xuất và khâu phục vụ của doanh nghiệp và chỉ có thông qua kĩ thuật thông tin mới giải quyết được vấn đề tự động hoá, thực hiện cải tiến kĩ thuật, thúc đẩy tiến bộ kĩ thuật, từ đó mới có thể tăng cường được thực lực và năng lực cạnh tranh trên thị trường của doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy các mặt khác cùng tiến lên. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn cần mạnh dạn đầu tư, mua những thiết bị cần thiết và đó là điều kiện tiền đề cho tất cả các công tác khác.
VI. Tiến hành điều tra thị trường như thế nào
Ở Trung Quốc, trong một bài hát có một đoạn lời "Hãy bước đi theo cảm giác”, trong một số mặt của cuộc sống thực sự có thể "bước đi theo cảm giác" thật, nhưng đối với việc kinh doanh của các doanh nghiệp, nếu đầu óc nóng vội, làm việc cẩu thả, chỉ biết "đi theo cảm giác" hoặc đi theo người khác lại hoàn toàn không thể được.
Muốn có các quyết sách khoa học thì cần phải điều tra thị trường một cách khoa học. Điều tra thị trường là cuộc điều tra theo một phương pháp khoa học, có mục đích và có hệ thống, phải thu thập thông tin về các mặt như chế độ phục vụ, khách hàng, mức độ tiêu thụ những sản phẩm của doanh nghiệp mình, thu thập các tài liệu và số liệu để làm chỗ dựa cho việc đề ra các quyết sách. Thông qua điều tra thị trường để có thể làm rõ được tình hình trước kia cũng như hiện tại và tương lai của thị trường mà doanh nghiệp mình phải đối mặt và từ đó phân tích đánh giá những thay đổi của thị trường trong tương lai, nhằm đưa ra những quyết sách có lợi cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Điều tra thị trường là để phục vụ cho việc đề ra các quyết sách, cho nên, mục đích và nội dung của cuộc điều tra này cần căn cứ vào yêu cầu trong kinh doanh để xác định. Nói chung, với những doanh nghiệp nhỏ thì mục đích và nội dung của điều tra thị trường chủ yếu tập trung vào một số mặt như sau:
1- Điều tra về người tiêu dùng
Khách hàng là "Thượng đế", chỉ có tìm hiểu một cách đầy đủ đối tác mà mình phục vụ mới có thể thực sự phục vụ họ và làm cho họ hài lòng được.
Nội dung điều tra bao gồm: Sức mua, động cơ mua và nhu cầu.
Điều tra sức mua là điều tra năng lực mua sản phẩm của người tiêu dùng. Bởi đây là nhân tố chủ yếu quyết định số lượng yêu cầu của thị trường, do vậy nội dung này có tác dụng rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Điều tra về sức mua bao gồm sức mua chung của xã hội, của một tập đoàn, của các cư dân và sức mua còn tiềm ẩn chưa bộc lộ ra. Các công ty nhỏ cần căn cứ vào nhu cầu của mình để lựa chọn hạng mục điều tra cho thích hợp.
Điều tra động cơ mua là điều tra nguyên nhân tâm lý của người mua. Mua hàng là một hành vi chi tiêu của người tiêu dùng. Nó dựa trên cơ sở có nhu cầu được phát sinh ra sau khi có động cơ mua mãnh liệt. Động cơ mua hàng của mọi người lại thường quyết định bởi nhu cầu cấp thiết lúc đó hoặc ở nơi đó. Nhưng cũng có thể thông qua những thủ đoạn kinh doanh nhất định (ví dụ như quảng cáo chẳng hạn) để tạo nên sự hấp dẫn. Hiểu động cơ mua và những thay đổi tâm lý của người tiêu dùng sẽ có lợi cho các doanh nghiệp để có thể áp dụng các biện pháp trực tiếp nhằm thu hút khách hàng. Bất kỳ động cơ mua hàng nào của người tiêu dùng đều có thể chia ra làm hai loại lớn, đó là động cơ lý trí và động cơ tình cảm. Động cơ lý trí được xây dựng trên cơ sở thỏa mãn nhu cầu vật chất khách quan. Hành vi mua hàng của con người dưới sự chi phối của động cơ này thường có sự phân tích rất lạnh lùng đối với sản phẩm, một sự tìm hiểu toàn diện và so sánh cẩn thận. Còn động cơ tình cảm lại được xây dựng trên cơ sở thỏa mãn các nhu cầu tinh thần khách quan, có thể là nhu cầu tinh thần hoặc tâm lý, nó thường dễ chịu ảnh hưởng của yếu tố bên ngoài, khi mua hàng thường biểu hiện một thứ tình cảm xung động, không có sự phân tích cẩn thận. Các công ty nhỏ sau khi tìm hiểu động cơ mua hàng của khách hàng cần phải có biện pháp thực thi ngay để sản phẩm của mình có thể nhanh chóng phục vụ khách hàng.
2- Điều tra tình hình thị trường
Nội dung bao gồm: tình hình tiêu thụ hoặc xu hướng phát triển ra sao sau khi hàng được tung ra thị trường; tình trạng phân bố của thị trường; tỉ lệ chiếm lĩnh thị trường của sản phẩm (là sự so sánh với các sản phẩm cùng loại của các công ty khác), tiềm năng của các thị trường vừa mới được mở v.v... Tất cả những điều tra này là chỗ dựa quan trọng của các công ty nhỏ khi đề ra các quyết sách.
3. Điều tra các đối thủ cạnh tranh
Để đứng vững trong cuộc cạnh tranh thị trường, các công ty nhỏ cần phải "biết người biết ta", do vậy việc điều tra đối tác cạnh tranh là điều rất quan trọng. Chỉ cần để mắt tới thị trường là có thể phát hiện ngay ra các đối tác cạnh tranh và muốn tránh họ cũng không được.
Việc điều tra này có thể phân ra làm hai loại: điều tra đối tác cạnh tranh và điều tra sản phẩm cạnh tranh. Điều tra đối tác cạnh tranh bao gồm tình hình tổng thể, thực lực và năng lực tiềm ẩn của họ; điều tra sản phẩm cạnh tranh bao gồm điều tra tính năng, chủng loại, giá cả, bao bì, chế độ phục vụ, sản lượng và lượng tiêu thụ của các sản phẩm cùng loại trên thị trường... Hiểu rõ đối tác của mình nhằm phát huy cái mạnh, hạn chế cái yếu của bản thân để giành được ưu thế trong cạnh tranh.
Đối thủ cạnh tranh của bất kỳ công ty nhỏ nào đều là song trùng, đó là những công ty lớn và những công ty nhỏ và vừa. Nếu công ty nhỏ cạnh tranh với công ty lớn về mọi mặt thì chắc chắn là công ty nhỏ sẽ thua, cho nên dù gì chăng nữa cũng không nên đối đầu với họ. Còn với các công ty vừa và nhỏ, khi cạnh tranh do thế và lực ngang nhau nên cũng có thể thắng lợi nhưng cũng có thể thất bại. Bởi trong cuộc cạnh tranh đó, cả hai bên đều có những sách lược, luôn tránh xung đột trực tiếp nhưng lại rất quyết liệt. Sau khi làm rõ tình hình đối tác, lựa chọn điểm đột phá bất ngờ làm cho đối tác không kịp trở tay để giành thắng lợi về cho mình.
Ví dụ: sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, kẹo cao su Mỹ đã cùng quân Mỹ xâm nhập thị trường Nhật Bản và lũng đoạn thị trường này. Nhưng một công ty sản xuất kẹo cao su của Nhật tuy rất nhỏ (chỉ có chừng 30 công nhân) đã nghiên cứu rất cẩn thận loại kẹo này của Mỹ và phát hiện ra nguyên liệu làm kẹo cao su của Mỹ được lấy từ một loại nhựa cây nên kẹo có màu xám. Họ đã nghiên cứu tỉ mỉ, tiến hành thí nghiệm nhiều lần và cuối cùng tìm ra được một loại nguyên liệu cũng có nguồn gốc thực vật nhưng khi sản xuất ra kẹo cao su lại rất trắng. Khi sản phẩm của họ đưa ra thị trường, người tiêu dùng rất hoan nghênh, sản phẩm của Mỹ đã phải rút lui và sản phẩm của người Nhật đã tấn công vào cả thị trường Mỹ nữa.
4. Điều tra về sản phẩm
Nội dung là điều tra sự phản ánh và ý kiến của người tiêu dùng đối với sản phẩm và chế độ phục vụ của công ty mình, lấy đó làm chỗ dựa cho việc cải tiến và mở rộng sản phẩm mới. Ngoài việc tìm hiểu ý kiến trực tiếp của khách hàng về các mặt như quy cách, chất lượng, giá cả, chế độ phục vụ sau mua hàng, bao bì, thương hiệu của sản phẩm còn phải đặc biệt lưu ý, ý kiến của khách hàng về việc cải tiến sản phẩm, vì đó cũng chính là khởi điểm cho việc nâng cao chất lượng nhằm thỏa mãn hơn nữa nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài ra, còn phải chú trọng điều tra về giá cả, xem giá cả hiện đã thích hợp với người tiêu dùng chưa, biên độ dao động của giá cả ra sao, thông qua đó để quyết định áp dụng loại giá nào nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh nhưng vẫn có lợi nhuận.
5. Điều tra về mặt tiêu thụ
Nội dung chủ yếu là khu vực tiêu thụ và sự phân bố số người tiêu thụ sản phẩm của công ty cùng các đường tiêu thụ, sách được tiêu thụ, biện pháp áp dụng, hiệu quả của quảng cáo, bao bì v. v. . .
6. Điều tra môi trường kinh tế xã hội
Ví dụ: về mặt chính trị, chính sách của quốc gia có thay đổi không; về mặt kinh tế, các chính sách kinh tế, chính sách thuế và tín dụng có thay đổi không; về mặt xã hội, những phong tục, tập quán, thói quen, những quan niệm v. v... và tình trạng thay đổi của nó; về mặt văn hoá, tình trạng giáo dục, đào tạo nghệ thuật, thể thao ra sao...; về môi trường, điều tra về tình hình địa lý, khí hậu, giao thông; về luật pháp, những bộ luật, pháp lệnh quan trọng, sự hoàn thiện về luật kinh tế. . . Tất cả những cái đó đều ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động quản lý kinh doanh của công ty và tuyệt đối không được coi nhẹ.
Những nội dung điều tra nói trên là những nội dung điều tra thị trường tương đối toàn diện. Nhưng do nó bao trùm diện rất rộng, chi phí cao, nên công ty nhỏ không thể điều tra một cách toàn diện được. Các công ty lớn đã trích ra 5% kinh phí dành cho điều tra thị trường, tuy số lượng chi phí lớn song hiệu quả đạt được cũng lớn, nhưng một công ty nhỏ thì khó có thể chi 5% kinh phí cho công tác này được, cho nên cần căn cứ vào tình trạng kinh doanh của mình mà lựa chọn nội dung điều tra thích hợp.
Do mức sống ngày một nâng cao, nhu cầu con người ngày càng đa dạng; Trình độ khoa học kỹ thuật ngày một phát triển, chu kỳ tồn tại của một sản phẩm ngày càng rút ngắn, đối tác cạnh tranh ngày càng nhiều hơn; do vậy, trong điều tra thị trường, các công ty nhỏ nên tập trung vào điều tra sản phẩm, người tiêu dùng và đối tác cạnh tranh. Công ty nhỏ lại có lợi thế giống như thuyền nhỏ để quay đầu, khi phát hiện điều gì có lợi hay có hại có thể nhanh chóng xoay chuyển, nhưng tiền đề của nó là phải có "chiếc mũi thính".
VII. Tìm được đúng nhưng cần biết dùng triệt để
Tài nguyên thông tin rất phong phú đa dạng, đặc biệt là trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, lựa chọn và sử dụng thông tin chuẩn xác là một điều kiện cơ bản để buôn bán thành công. Trong khối lượng thông tin khổng lồ của xã hội, cần phải lựa chọn những gì có liên quan đến mình, trong đó tập trung vào lựa chọn những tư liệu thông tin thị trường vì chính nó có liên quan nhiều và tác dụng rất lớn.
1 . Quy loại để chỉnh lý
Chính là việc tập hợp các loại thông tin thu được để phân ra các loại lớn, sau đó đánh giá độ thực hư của thông tin. Loại bỏ các thông tin giả, để lại các thông tin thật hoặc cơ bản là thật, sau đó phân ra thành loại tốt hay loại xấu. Đối với các thông tin tốt phải xử lý ngay; còn những gì tuy nhiều điểm tốt nhưng độ rủi ro cao thì phải qua phân tích, đối chiếu, so sánh để xem xét lợi ích lớn hay rủi ro lớn hơn; nếu độ rủi ro lớn hơn thì phải loại trừ nó. Nếu ta phân loại thật rõ ràng, biết rõ thông tin tốt - xấu, thực - hư sẽ giúp cho công việc thuận lợi hơn nhiều.
2. Phân tích so sánh
Sau khi tìm hiểu được cặn kẽ tình hình thường xuất hiện tình trạng, mọi người đều cho rằng hạng mục kinh doanh chỉ có tốt, lợi ích cao hoặc ngược lại hạng mục đó khó làm hoặc khó làm được. Bởi những điều mà mọi người thấy đều là những điều kiện có lợi, không thấy những thông tin bất lợi nên đều đổ dồn vào hạng mục đó, mà chính điều đó có thể làm cho tình hình thay đổi, điều kiện có lợi có thể biến thành nhân tố bất lợi, làm tăng khó khăn lên. Những hạng mục thực sự có tiềm lực phát triển chính là những hạng mục vừa có tiền đồ lại vừa có rủi ro, vừa có lợi ích lại có cả những nhân tố chưa thật chắc chắn. Để lựa chọn tốt các hạng mục, nhất thiết phải phân tích toàn diện, tổng hợp và so sánh các thông tin thu được. Biện pháp là đưa ra tất cả các yếu tố tốt, xấu, lợi, hại của thông tin trong các hạng mục kinh doanh rồi lần lượt so sánh để xem yếu tố nào chiếm phần chủ yếu, từ đó mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng được.
3- Làm thử
Nếu bạn cho một hạng mục nào đó là rất tốt, nhưng sau khi tổng hợp, phân tích và so sánh vẫn cảm thấy chưa chắc chắn, vẫn chưa lựa chọn được hạng mục nào tốt nhất, có lợi nhất nên không thể hạ quyết tâm làm lớn được thì vẫn còn một biện pháp khác nữa - đó chính là làm thử trong mức độ nhỏ hẹp hơn, đầu tư trong phạm vi nhỏ với quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ và qua kết quả đó để đưa ra quyết sách cuối cùng. Như vậy, vừa làm rõ được tình hình lại vừa có được kinh nghiệm, tạo cơ sở cho việc mở rộng.
4. Dự đoán chuẩn xác
Tục ngữ có câu: "Buôn bán cần phải có ba cặp mắt - một để nhìn trời, một để nhìn đất và một để nhìn về xa". Bất kì thông tin, tình hình nào đều luôn luôn biến động chứ không cố định, bất biến. Chỉ có ai đứng ở trên chỗ cao hơn, tầm mắt nhìn xa hơn, có tính toán chuẩn bị từ trước mới không phải đi theo đuôi người khác. Hiện nay, không ít các công ty tư nhân trong chuyện làm ăn kinh doanh vẫn theo lối nhìn người khác làm gì, làm thế nào rồi bắt chước làm theo như vậy. Kết quả là lúc đầu thì có vẻ thuận lợi, nhưng sau khi đã đổ tiền đổ của vào rồi thì tình hình thị trường đã thay đổi, mọi việc đã đi ngược lại mong muốn của mình. Làm thế nào mới giải quyết được vấn đề này? Biện pháp tốt nhất là đi trước thời gian, đánh giá tình hình, dự đoán trước những thay đổi có thể xảy ra để sẵn sàng chuẩn bị. Ta cần nắm chắc những điểm sau:
Một là làm rõ tình hình trước mắt. Đó là cơ sở cho dự đoán tình hình; muốn dự đoán chính xác được, trước tiên phải nắm hiện trạng, nắm chắc và chuẩn xác (như phần trên đã nói).
Hai là nắm những nhân tố thay đổi. Có rất nhiều nguyên nhân tạo ra sự thay đổi, nhưng đại thể gồm hai mặt sau: Một là thị trường thay đổi, một sản phẩm nào đó vốn bán rất chạy nay bỗng nhiên không bán được; hoặc một sản phẩm nào đó trước thì chẳng ai mua, nay đột nhiên lại đua nhau hỏi mua. Sự thay đổi của thị trường, bề ngoài khó mà giải thích được, thực ra đều có thể có nguyên nhân để điều tra, không ngoài việc hàng hóa sản xuất ra quá nhiều hoặc quá ít, chất lượng tốt lên hoặc xấu đi; hoặc một số nhà kinh doanh thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa bằng cách tuyên truyền quảng cáo, gây ảnh hưởng tích cực cho người tiêu dùng. Tìm hiểu trước tình hình đó có thể dự đoán được sự thay đổi của thị trường. Hai là chính sách thay đổi. Căn cứ vào tình hình, Chính phủ đề ra việc điều chỉnh chính sách đối với một loại hàng nào đó, làm cho thị trường thay đổi. Ví dụ như việc chính phủ tăng giá thu mua lương thực và bông sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền - các loại vải, hàng dệt kim sản xuất từ bông cũng lên giá theo. Nắm chắc các nhân tố thay đổi đó sẽ có thể dự báo được tình hình và làm tốt công tác chuẩn bị.
Ba là phán đoán chính xác tình hình trong tương lai. Sau khi nắm chắc được các nhân tố thay đổi của tình hình, ta có thể phán đoán những thay đổi có thể xảy ra trong tương lai để làm tốt công tác chuẩn bị. Những phán đoán và dự báo đó rõ ràng không phải là sự phản ánh trực tiếp của các loại thông tin mà đều là sau khi đã tiến hành tổng hợp phân tích mới có thể dự đoán được một cách khoa học về xu hướng trong tương lai. Muốn làm tốt điều đó, chúng ta cần phải: phán đoán trên diện rộng, đề ra nhiều khả năng; chú ý những điểm nổi bật, đột xuất và tập trung vào những hạng mục mà bạn cảm thấy hứng thú; thêm nữa, phải đề ra nhiều đối sách - với những hạng mục mà bạn đã xác định là có hướng phát triển, nói chung cần có các phương án từ tốt nhất đến tương đối tốt, kém và rất kém và đồng thời kèm theo các biện pháp tương ứng. Chớ nên cảm thấy việc này tốt mà không có chút khuyết điểm nào, hoặc một việc nào đó chỉ toàn là xấu chứ không hề có chút điểm tốt nào cả. Cần phải suy nghĩ tới mọi trường hợp có thể xảy ra để có những đối sách tương ứng với nó.
Dưới đây xin nêu ví dụ làm thế nào để tận dụng được thông tin:
Nếu nắm được một tin về một sản phẩm nào đó được gia công sẽ có thị trường tiêu thụ tốt thì cần phải thực hiện ngay một cách nhanh chóng theo bốn "nhanh" sau đây:
Một là thiết kế nhanh: Khi một sản phẩm mới, có thị trường tiêu thụ phải nhanh chóng thiết kế kiểu dáng, chất lượng và xây dựng thương hiệu cho nó; nhưng thời gian thiết kế phải nhanh, không được kéo dài để tránh lỡ thời cơ làm ảnh hưởng tới sản xuất.
Hai là nhanh chóng chuẩn bị vật liệu, tiền vốn sau khi thiết kế đã hoàn thành. Bất kể là chuẩn bị kinh doanh một hạng mục nào đó, nếu không có một số vốn đầu tư nhất định thì vấn đề sẽ khó giải quyết. Tập trung tiền vốn lại là một việc không dễ, nhưng dứt khoát phải làm nếu không sẽ lỡ thời cơ.
Ba là nhanh chóng đi vào sản xuất. Một khi đã đủ điều kiện sản xuất hoặc kinh doanh, phải nhanh chóng đi vào sản xuất ngay dưới mục tiêu phải bảo đảm chất lượng của sản phẩm, sản phẩm làm ra phải nhanh chóng thực hiện quá trình tiêu thụ nó.
Bốn là phải tiêu thụ nhanh. Khi đã sản xuất ra sản phẩm rồi, phải nhanh chóng tiêu thụ để đề phòng tình hình thay đổi sẽ ảnh hưởng xấu tới khả năng tiêu thụ. Cần nhớ rằng khi tình hình tiêu thụ đang trên đà phát triển phải tiêu thụ ngay, chớ nên chờ đợi vì thị trường luôn luôn biến động khó có thể lường hết được.
Tóm lại, nếu biết sử dụng thông tin, nhất định sẽ thu kết quả tốt.
VIII. Giữ bí mật nghề nghiệp của mình
Bí mật nghề nghiệp được tạo dựng trên cơ sở doanh nghiệp đầu tư lượng vốn, thiết bị và nhân lực lớn mới có được, nó là sự kết tinh công sức và mồ hôi của cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp, về lý mà nói cần phải được xã hội tôn trọng và bảo vệ. Nhưng trong cuộc sống hiện thực, những thông tin kinh tế kĩ thuật mang tính bí mật đó bị lấy cắp một cách phi pháp lại đang có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn. Bí mật của một số doanh nghiệp đang bị một số người chỉ vì lợi nhuận của bản thân nên đã dùng mọi thủ đoạn để đánh cắp bằng được, gây ra tổn thất khôn lường cho doanh nghiệp. Họ sử dụng nhiều phương thức đánh cắp bí mật khác nhau, có thể ngụy trang dưới nhiều hình thức, hoặc trắng trợn hoặc lén lút hoặc cưỡng đoạt làm cho các nhà doanh nghiệp phải đau đầu. Đó cũng là nguyên nhân tại sao các doanh nghiệp luôn phải tự đề ra các biện pháp phòng chống tiết lộ bí mật của mình.
Vậy thì những bí mật đó bị tiết lộ như thế nào đây?
1. Tiết lộ một cách không tự giác khi chưa có phòng bị gì
Một số doanh nghiệp trong quá trình đàm phán ngoại giao lại không hề có ý đề phòng đối tác nên đã tạo thời cơ cho đối tác đánh cắp các bí mật nghề nghiệp của mình. Ví dụ như trường hợp kĩ thuật sản xuất loại bút máy nhãn hiệu "Anh hùng" và "Kim tinh" của Trung Quốc chẳng hạn. Đây là loại bút máy không rỉ có nhiều đặc tính ngang với loại bút nhãn hiệu "Pake” mạ vàng của Mỹ luôn đứng hàng đầu thế giới. Nhưng trong một lần, có hai vị phó Giám đốc điều hành của hãng Pake đến thăm Trung quốc, họ ngạc nhiên phát hiện ra hãng sản xuất hai loại bút trên của Trung Quốc hoàn toàn "mở cửa" và thế là sẵn máy quay trong tay, họ đã ghi hình lại toàn bộ quá trình sản xuất và cấu tạo của hai loại bút nổi tiếng trên của Trung Quốc.
2- Nhân tài lưu động - sự tiết lộ khó tránh khỏi
Do thị trường sức lao động ngày càng có xu hướng phồn thịnh, cho nên một số người đã lợi dụng cơ hội này để tranh thủ lấy bí mật của ngay đơn vị mình đem bán kiếm tiền. Một kĩ thuật viên thuộc Tổng công ty thực nghiệp Thái Dương - Ninh Ba đã lợi dụng chức vụ của mình để ăn cắp toàn bộ bản vẽ thiết kế loại máy GT501, bản sao kế hoạch tiêu thụ và kế hoạch tổng hợp năm 1993 của doanh nghiệp, khi bị điều chuyển đi nơi khác đã mang toàn bộ tài liệu đó về nhà rồi bán cho một đối thủ cạnh tranh khác. Cũng có người tuy không ăn cắp, nhưng khi bị điều chuyển đi nơi khác đã dựa vào trí nhớ của mình để nghiên cứu mô phỏng lại những sản phẩm tương tự. Đó cũng là một dạng bí mật bị tiết lộ.
3. Đại khái qua loa - làm lộ bí mật một cách không rõ ràng
Một số doanh nghiệp không chú ý tới việc bảo vệ bí mật của mình nên đã bị tiết lộ ra ngoài một cách không rõ ràng. Năm 1993, chỉ riêng thành phố Thượng Hải đã có hơn 50 doanh nghiệp bị đánh cắp các tài liệu kĩ thuật, thậm chí có doanh nghiệp bị đánh cắp tới hàng chục lần liên tục. Một số phần tử bất hảo vì mục đích đánh cắp bí mật của doanh nghiệp đã lợi dụng những giờ nghỉ, không còn ai trong cơ quan để tiến hành đánh cắp các bí mật. Các dạng mất bí mật đó đều là do doanh nghiệp quá qua loa đại khái, không chú ý tới khâu bảo mật của mình.
4. Thùng rác - nơi lộ bí mật một cách lặng lẽ
Thùng rác trong các văn phòng thường là nơi chứa đựng rất nhiều các thông tin kinh tế và kĩ thuật của doanh nghiệp, nếu không cẩn thận thì rất có thể bí mật bị tiết lột từ đó. Do đó, nhiều kẻ có tâm địa xấu xa thường lợi dụng các thùng rác của các văn phòng để moi tìm các bí mật. Ví dụ: có một công ty Khai Phát ở Quảng Châu để lấy cắp được bí mật của ba công ty khác cùng ngành nghề với mình đã mời một "vua bãi rác" đến rồi trả thù lao rất hậu để ký được hợp đồng thu gom vận chuyển rác cho ba công ty kia. Hàng ngày, anh chàng kia thu gom rồi phân loại các loại "rác tài liệu" của ba công ty kia rồi chuyển về một địa điểm định sẵn cho công ty này. Chỉ từ năm 1989 đến tháng 2 năm 1991, anh này đã chọn lọc ra được hơn 300 tài liệu có giá trị trong đống rác đó, tiền thù lao anh ta được là 14.000 đồng NDT. Công ty này đã nắm chắc mọi mặt tình hình của ba đối thủ cạnh tranh và cuối cùng đã chiếm ưu thế hơn hẳn trong cạnh tranh thị trường.
5. "Đốt lửa sân sau” - viên chức bán bí mật
Nếu như doanh nghiệp có thể áp dụng nhiều biện pháp chống từ bên ngoài thì việc người trong nội bộ tiết lộ bí mật lại khiến người ta đau đầu hơn. Có doanh nghiệp do khâu quản lý nội bộ lỏng lẻo, một số người trong nội bộ vì lợi quên nghĩa đã thừa cơ lấy bí mật của đơn vị mình bán ra ngoài. Ví dụ: một trưởng phòng kỹ thuật và nhân viên cung tiêu của một nhà máy sợi hóa học thuộc huyện Khai Tiến - Giang Tô thông qua người môi giới đã kết thân với một người họ Lưu - xưởng trưởng một nhà máy sản xuất đồ dùng gia đình ở huyện Vô Tích và đã biết được rằng, nhà máy đó đang muốn sản xuất một loại máy xe sợi SKV303 cùng loại với nhà máy mình nên rất cần bản vẽ của loại máy đó, thế là hai người đã lợi dụng chức vụ của mình lấy cắp bản vẽ kĩ thuật loại máy đó bán cho bên Vô Tích với giá 4 vạn đồng NDT.
Vậy chúng ta phải phòng chống chuyện đó như thế nào đây?
Bí mật của doanh nghiệp là tài sản quý và cũng là điều kiện sinh tồn trong cạnh tranh của doanh nghiệp, là của "gia bảo" để phát triển. Vì vậy, một khi mất đi, kẻ trục lợi phi pháp sẽ được lợi lớn còn doanh nghiệp sẽ mất năng lực cạnh tranh và điều kiện sinh tồn, tổn thất kinh tế khó mà lường hết, thậm chí còn có thể bị phá sản. Do đó, việc bảo vệ bí mật là vô cùng quan trọng.
Trước tiên phải đẩy mạnh công tác bảo mật.
Doanh nghiệp một mặt cần nhấn mạnh quan điểm bảo mật của mình, không ngừng hoàn thiện các biện pháp và chế độ bảo mật, bịt chặt các lỗ hổng có thể để lộ bí mật, đặc biệt là khi đối ngoại lại càng phải cẩn thận hơn, thẩm tra kỹ lưỡng, nghiêm khắc, đề phòng lộ bí mật; mặt khác, cần xử lý thật thỏa đáng mối quan hệ giữa tự do lựa chọn nghề nghiệp với bảo vệ bí mật nghề nghiệp của công nhân viên chức, khi ký hợp đồng lao động với họ, cần phải thêm điều khoản bảo mật nữa, làm rõ quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động, vừa đảm bảo cho nhân tài có thể chuyển dịch đi nơi khác nhưng vẫn giữ được bí mật của đơn vị, tức là ngăn chặn được hoạt động xâm phạm từ bên ngoài lại phòng ngừa được bên trong.
Ngoài ra, còn phải biết tăng cường độ tấn công.
"Phương pháp chống lại cạnh tranh không chính đáng" quy định: người kinh doanh không được dùng thủ đoạn phi pháp để xâm phạm bí mật của doanh nghiệp và trong điều 25 còn quy định những người đó phải chịu những trách nhiệm gì về mặt luật pháp, có nghĩa là bộ phận kiểm tra giám sát có quyền ra lệnh đình chỉ hành động phi pháp đó và có thể phạt tiền tuỳ theo mức độ lỗi nặng nhẹ. Những biện pháp đó là những đảm bảo có hiệu lực cho việc bảo mật. Do đó, cơ quan hữu quan của Nhà nước cần phải tăng cường độ tấn công vào những hành vi xâm phạm các bí mật thương mại phá hoại thị trường, áp dụng các thủ đoạn hành chính và kinh tế để tiến hành các chế tài cần thiết, dùng công cụ pháp luật tấn công vào các hành vi trộm cắp bí mật phi pháp.
Một vài viên chức của một công ty du lịch nổi tiếng trong nước đã tìm mọi lý do để từ chức nhằm chuyển sang một công ty khác, đồng thời đã mang đi cả những tư liệu về khách hàng của công ty cũ rồi lôi kéo số khách này về cho công ty mới, làm mất đi một lượng khách vốn là của công ty cũ, gây tổn thất cả về kinh tế và nghiệp vụ cho công ty cũ. Chính vì vậy mà công ty cũ đã khởi kiện số nhân viên này và sau khi điều tra, cơ quan điều tra đã làm rõ hành vi xâm phạm quyền bảo vệ bí mật được pháp luật quy định, Tòa đã tuyên phạt những viên chức này phải bồi thường những thiệt hại về kinh tế dó họ gây ra đối với công ty cũ của họ. Công ty này đã dựa vào pháp luật để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.
Cuối cùng, doanh nghiệp phải xây dựng chế độ bảo mật của mình.
Để bảo đảm bí mật và an toàn cho doanh nghiệp, rất nhiều các doanh nghiệp nước ngoài đã có nhiều kinh nghiệm rất thành công:
Cộng ty Cocacola của Mỹ đã bảo mật cao độ phương thức điều chế của mình và họ luôn luôn là mục tiêu bị nhòm ngó của đối thủ cạnh tranh Pepsicola. Trong mấy chục năm trước kia, công ty Pepsicola đã áp dụng rất nhiều phương pháp nhưng vẫn không thể lấy được bí mật cách pha chế của công ty Cocacola, đây được coi là một trong những bí mật được bảo vệ nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Một ví dụ khác: công ty Chomson của Pháp chỉ cho phép chụp ảnh một số thiết bị máy móc trong nhà xưởng của công ty trước đó có sự đồng ý của họ, còn một số máy móc khác không bao giờ được phép quay phim hoặc chụp ảnh. Một ví dụ khác: công ty Plessy của Anh quy định - khách tới thăm quan không được phép chụp ảnh, ghi âm - các máy ảnh, ghi âm của khách đều phải gửi lại phòng bảo vệ. Phạm vi bảo mật của những công ty này và giới hạn được quy định rất nghiêm ngặt; trong quảng cáo, chỉ có thể giới thiệu công suất, tần suất, chỉ tiêu tính năng của sản phẩm; nếu khách hàng thực sự có ý mua hàng có thể tiếp tục đàm phán thêm, sau khi xây dựng hợp đồng, phải được cơ quan hữu trách của Chính phủ phê chuẩn mới giao văn kiện cho đối tác. Đối với những tài liệu về tư tưởng thiết kế, luận chứng phương án cũng được bảo mật rất nghiêm ngặt. Các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc cần phải học tập những bài học bảo mật thành công của họ, xây dựng chế độ bảo mật của mình, khống chế sự rò rỉ bí mật của doanh nghiệp mình.
0 Nhận xét