Tái tư duy R&D và đổi mới sáng tạo

Dù bạn có là ai, hầu hết những người giỏi nhất đang làm việc cho người khác.


Bill Joy, đồng sáng lập Sun Microsystems


Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) là nơi hội tụ những nhà khoa học giỏi nhất thế giới. Vì vậy, thật kỳ lạ khi vào năm 2013, NASA kêu gọi công chúng cùng tìm lời giải cho một vấn đề mà Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đang gặp phải. NASA miêu tả cuộc thi này như sau:


Trạm ISS dùng năng lượng mặt trời thu được trên các tấm pin quang điện. Việc thu nhiều năng lượng nhất cho trạm vũ trụ hiển nhiên là một vấn đề phức tạp. Những thanh dài và mảnh gắn chặt các tấm pin với trạm được gọi là Longerons. Mỗi khi một số lẻ các thanh Longerons được mặt trời chiếu sáng và các thanh còn lại bị che khuất, chúng bị cong và cuối cùng có thể sẽ gãy. Do vậy các kỹ sư của chương trình ISS điều chỉnh quỹ đạo của trạm sao cho giảm thiểu tình trạng này. Nhưng những vị trí đó làm giảm lượng điện năng thu được. Càng có nhiều điện, sẽ càng có nhiều thí nghiệm được tiến hành và nâng cao hoạt động của ISS. Mục tiêu của cuộc thi Longeron này là phát triển các thuật toán phức tạp cho phép NASA đặt các tấm pin quang điện trên ISS để chúng sản sinh được nhiều điện nhất khi bay qua những phần quỹ đạo khó khăn.1


Cuộc thi này, tổ chức cùng Đại học Harvard, dành cho tất cả mọi người trên thế giới với giải thưởng 30.000 đô-la.2 NASA có thật sự nghĩ những người bình thường có thể tìm được giải pháp tốt hơn những nhà khoa học thiên tài của họ hay không? Không ngạc nhiên khi có nhiều người hoài nghi trong chính đội ngũ nhà khoa học của NASA, cho rằng cơ quan này đang mò kim đáy bể.


Khi cuộc thi hết hạn, vào ngày 6 tháng 2 năm 2013, 459 người dự thi từ nhiều lĩnh vực khác nhau đã nộp 2.185 lời giải. Một người dự thi viết trên blog của ông, “Hai tuần trước, trong khi đang đợi chuyến bay đi San Francisco từ một sân bay ở Paris, tôi bắt gặp thử thách lập trình của NASA làm sao để tối ưu hóa các thanh quang điện trên Trạm Vũ trụ Quốc tế… Vốn rất quan tâm tới tối ưu hóa để áp dụng cho công ty khởi nghiệp sắp thành lập của mình, tôi hào hứng tải về toàn bộ các tài liệu để mày mò trong suốt chuyến bay 10 tiếng của mình”.3


Những ý tưởng dự thi so sánh như thế nào với các giải pháp của các nhà khoa học NASA? Một nửa số bài dự thi đạt kết quả tốt hơn giải pháp của NASA, mà chỉ mất vài tháng tiến hành và có chi phí bằng một phần nhỏ so với giải pháp của NASA. Trong 10 giải pháp tốt nhất, 5 đề xuất đến từ Trung Quốc, và có 1 đề xuất từ mỗi nước Nga, Ba Lan, Romania, Canada và Ý. (Tháng 10 năm 2016, NASA công bố cuộc thi mới, “Thử thách WC Vũ trụ”, làm sao để trang phục phi hành gia có thể xử lý chất thải cơ thể trong suốt thời gian phóng lên không gian hoặc quay về Trái Đất, có thể kéo dài tới 144 giờ4).


NASA có phải là ngoại lệ? Thử lấy ví dụ khác, trong lĩnh vực nghiên cứu hệ gen. Cũng như NASA, Trường Y khoa Harvard (HMS) cũng tuyển những nhà khoa học giỏi nhất trên thế giới. Vài năm trước, HMS quyết định mở cuộc thi mời công chúng giải một bài toán phức tạp liên quan tới hệ gen. Các nhà khoa học ở HMS và Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) đã nghiên cứu bài toán này nhiều năm, tiêu tốn hàng triệu đô-la. Ngược lại, cuộc thi này chỉ kéo dài 2 tuần với giải thưởng chỉ 6.000 đô-la. Dù vậy, 122 người từ 89 nước đã nộp 650 lời giải. Trong số đó, 30 đáp án vượt qua kết quả của NIH và Harvard, và đáp án tốt nhất vượt qua giới hạn hiện hành tới 1.000 lần.5


Đây không phải là những ví dụ đơn lẻ. Việc tận dụng chuyên môn và tri thức của cả người dùng lẫn các chuyên gia ngoài doanh nghiệp, thường được gọi là sáng tạo mở và crowdsourcing, được áp dụng rộng rãi trong những năm gần đây. Các công ty đã sử dụng phương thức sáng tạo này vào nhiều mục đích. Trong nhiều năm, Doritos đã phát động cuộc thi quảng cáo “Đến với Super Bowl” (Super Bowl là trận chung kết bóng bầu dục ở Mỹ luôn có số khán giả rất cao), với giải thưởng từ 400.000 đến 1 triệu đô-la. Công ty mời các fan tạo quảng cáo mà nếu thắng cuộc sẽ được chiếu trong chương trình truyền hình trực tiếp trận Super Bowl. Khi Procter & Gamble (P&G) muốn tung ra dòng khoai tây chiên Pringles mới, với mỗi lát khoai được in hình và chữ, hãng đã áp dụng sáng tạo mở để tìm ra cách thức in đến từ một tiệm bánh nhỏ ở Bologna, Ý, của một giáo sư đại học, người đã phát minh ra cách in ảnh lên bánh ngọt. Trong một báo cáo, 2 lãnh đạo của P&G kết luận rằng thế giới đã đi từ R&D (nghiên cứu & phát triển) sang C&D (kết nối và phát triển). Họ nói 35% các sáng tạo của P&G, mang lại nhiều tỷ đô-la doanh thu, đang đến từ chiến lược sáng tạo mở.6 Kể từ khi lập ra mạng lưới sáng tạo General Mills Worldwide Innovation Network (G-Win), General Mills đã làm việc với nhiều đối tác để phát triển các sản phẩm mới. Các sản phẩm thành công bao gồm thanh protein thương hiệu Nature Valley, bánh brownie Fiber-One 90 Calorie, và ngũ cốc hiệu Chex Chips. Giờ đây, các tập đoàn như GE, Samsung, Coca-Cola, và Eli Lilly đang theo đuổi chiến lược sáng tạo mở để tận dụng tri thức của các chuyên gia bên ngoài, các nhà cung cấp, và người dùng.


SỰ TRỖI DẬY CỦA SÁNG TẠO MỞ


Các công ty chi hàng tỷ đô-la vào R&D với hi vọng tạo ra các sản phẩm sáng tạo có thể đem lại lợi thế cạnh tranh bền vững. Hầu hết các nhà quản lý đều giả định rằng mô hình sáng tạo xuất phát từ phía nhà sản xuất này là mô hình tốt nhất. Tuy nhiên, như Adam Smith đã viết gần 3 thế kỷ trước trong cuốn The Wealth of Nations, “phần lớn máy móc đang được sử dụng trong các dây chuyền sản xuất chuyên môn hóa đều được phát minh bởi những công nhân bình thường, những người làm những thao tác lặp đi lặp lại và dĩ nhiên phải suy nghĩ làm sao để làm việc hiệu quả hơn”.


Trong những năm 1970, Eric von Hippel, người tiên phong về đổi mới sáng tạo do người dùng khởi xướng, đã minh họa cho ý tưởng của Adam Smith về tầm quan trọng của người dùng trong phát triển và cải tiến sản phẩm.7


Các học giả khác đã tiếp nối nghiên cứu của ông, và trong 4 thập niên tiếp theo, hàng trăm nghiên cứu cho thấy sức mạnh của đổi mới sáng tạo do người dùng dẫn dắt. Các khảo sát trên toàn quốc ở 6 nước – Mỹ, Anh, Canada,


Phần Lan, Hàn Quốc, và Nhật Bản – cho thấy 1,5-6,1% số người tiêu dùng trên tuổi 18 có tham gia vào việc phát triển sản phẩm ở nước họ. Những sản phẩm này ở nhiều mảng khác nhau, như: thể thao, làm vườn, y khoa, thực phẩm, trang phục, xe hơi, nhà cửa và các sản phẩm liên quan tới trẻ em.8 Người dùng và các cộng đồng cũng đóng vai trò quan trọng trong các đổi mới thuộc lĩnh vực B2B (giao thương giữa các doanh nghiệp) như lọc dầu, hóa chất, thiết bị khoa học và phần mềm.9


Các nghiên cứu ban đầu cũng cho thấy hầu hết người dùng cũng tìm cách thay đổi sản phẩm sẵn có để dùng cho mục đích riêng của mình. Nhận ra điều này, các công ty bắt đầu tài trợ các cuộc thi mời gọi người dùng cải tiến sản phẩm. Qua thời gian, các cuộc thi này mở rộng và lôi cuốn nhiều người từ nhiều ngành khác nhau tham gia vì thích thử thách. Các cuộc thi cũng là khởi nguồn cho các sáng tạo công nghệ mang tính lịch sử, chẳng hạn thiết kế mái vòm ở Nhà thờ Chính tòa ở Florence, xác định kinh độ trên biển, thực phẩm đóng hộp, và các đổi mới trong nông nghiệp và hàng không.10


Vì vòng đời của sản phẩm ngày càng ngắn và chi phí R&D ngày càng cao, đổi mới sáng tạo trong nội bộ doanh nghiệp không còn đủ để doanh nghiệp hoàn thành những kỳ vọng tăng trưởng. Để giữ lợi thế cạnh tranh và đạt các chỉ tiêu, và để mở rộng nguồn sáng tạo cũng như vượt qua giới hạn của nguồn lực nội bộ, nhiều doanh nghiệp đã coi sáng tạo mở là điều bắt buộc.


Công nghệ đã thay đổi cuộc chơi, khiến việc thiết kế, phát triển và cộng tác trở nên dễ tiếp cận, và khiến đổi mới sáng tạo trở nên khả thi đối với các doanh nghiệp nhỏ, các cộng đồng và các cá nhân. Như đã thảo luận ở trên, ranh giới giữa các doanh nghiệp ngày càng bị xóa mờ, do chi phí giao dịch giảm, cho phép người ngoài doanh nghiệp đóng góp vào sản phẩm mà không cần phải là một nhân viên chính thức. Công nghệ cũng cho phép những người cùng sở thích có thể tập trung trong một môi trường ảo để chia sẻ thông tin và trao đổi ý tưởng. Bạn có thể tìm một cộng đồng như vậy cho bất kỳ lĩnh vực nào. Vocalpoint là cộng đồng hàng trăm nghìn bà mẹ nêu ý kiến của họ về các sản phẩm. Topcoder là cộng đồng lập trình viên lớn nhất nơi bạn có thể tham gia các cuộc thi lập trình. Có hàng trăm cộng đồng bàn về tắm nắng. Có hàng chục diễn đàn về cưa máy với hàng nghìn thành viên.


Các giải pháp nhanh và ít tốn kém khiến nhiều công ty đi theo sáng tạo mở. Một nghiên cứu năm 2014 về 489 dự án ở một công ty chế tạo lớn ở châu Âu cho thấy các dự án hợp tác sáng tạo mở có lãi hơn các dự án truyền thống.11 General Mills cũng nhấn mạnh sáng tạo mở là yếu tố quyết định kết quả tài chính của các sản phẩm của hãng. Trong 60 sản phẩm mới ra mắt trong khoảng thời gian 1 năm, các sản phẩm có đóng góp của sáng tạo mở có lãi hơn 100% so với các sản phẩm không dựa vào sáng tạo mở.12


VÌ SAO SÁNG TẠO MỞ CÓ HIỆU QUẢ?


Tại sao người dùng và những người gửi bài thi lại có thể làm tốt hơn đội ngũ khoa học cao cấp của các công ty trước những bài toán vô cùng phức tạp? Các nghiên cứu chỉ ra những lý do sau:


Đa dạng cách tiếp cận


Nhóm nhân viên trong một công ty thường chỉ nhìn vấn đề qua lăng kính đơn lẻ và cố gắng tìm lời giải bằng một vài hướng tiếp cận. Ngược lại, sáng tạo mở quăng lưới rộng và thu hút nhiều người có chuyên môn khác nhau, với nhiều góc nhìn và phương pháp giải quyết vấn đề. Ví dụ, cuộc thi của Trường Y khoa Harvard nhận được các lời giải sử dụng tổng cộng 89 cách tiếp cận cho bài toán phức tạp về bộ gen.13


Tại sao cần sự đa dạng về phương pháp? Trong một luận văn kinh điển được đăng năm 1969, hai nhà kinh tế cho thấy kết hợp nhiều mô hình sẽ dự đoán chính xác hơn nếu chỉ dùng một mô hình phức tạp.14 Các nghiên cứu sau này bởi một vài học giả đã củng cố ý tưởng này, cho thấy chỉ cần lấy trung bình dự đoán từ vài mô hình khác nhau cũng có kết quả tốt hơn bất kỳ mô hình đơn lẻ nào.15


Một ví dụ rõ rệt nhất cho thấy sự đa dạng về phương pháp có kết quả ưu việt hơn là cuộc thi năm 2006 của Netflix, trong đó công ty trao giải 1 triệu đô-la cho ai xây dựng được thuật toán giới thiệu phim mới cho người xem. Trong lễ trao giải năm 2009, giám đốc sản phẩm của Netflix kể lại bài học lớn nhất từ cuộc thi này: “Đầu tiên, khá nhiều nhóm tham gia – và họ cải thiện được 6%, 7% rồi 8%, và cứ thế chậm dần… Rồi các nhóm bắt đầu nhận ra – nếu họ kết hợp tri thức của nhiều nhóm, họ sẽ đạt kết quả tốt hơn”.16


Những người tham gia sáng tạo mở thường là thành viên của một cộng đồng lớn như Topcoder. Dù khi dự thi, họ có thể ganh đua với nhau, họ vẫn sẽ chia sẻ giải pháp thắng cuộc, để người dự thi khác học hỏi và tiến bộ hơn vào lần sau.


Giá trị lớn nhất


Các công ty đặt mục tiêu chiêu mộ những người giỏi nhất, và vì vậy tính bình quân, các kỹ sư và nhà khoa học của họ thông minh hơn người ngoài và sẽ có nhiều ý tưởng tốt hơn. Tuy nhiên, thường thì chúng ta không bận tâm đến những cái bình quân – mà chúng ta chỉ quan tâm đến một hoặc hai ý tưởng tốt nhất sẽ dẫn đến đổi mới sáng tạo. Người tham dự các cuộc thi sáng tạo đa dạng tới mức mặc dù nếu tính trung bình, họ không giỏi bằng đội ngũ chuyên gia của công ty, nhưng ý tưởng tốt nhất của họ vẫn vượt xa các chuyên gia đó. Và đó là ý tưởng mà công ty quan tâm – ý tưởng mang lại giá trị lớn nhất.


Thấu hiểu khách hàng rõ hơn


Trong một trong những nghiên cứu đầu tiên của mình, Eric von Hippel phát hiện 77% các phát minh quan trọng về thiết bị khoa học trong vòng 4 thập kỷ xuất phát từ chính các nhà khoa học phải sử dụng chúng, chứ không phải từ các công ty sản xuất thiết bị.17 Dùng dữ liệu về phát minh ở hơn 20 nước, Dietmar Harhoff xác nhận khẳng định của von Hippel rằng người dùng là nguồn tri thức quan trọng nhất cho đổi mới sáng tạo.18 Các cải tiến bởi người dùng gần với nhu cầu thị trường hơn, vì chính họ là người dùng sản phẩm. Cải tiến đến từ người dùng cũng không đòi hỏi các nghiên cứu thị trường tốn kém, và cho phép sản phẩm được thử nghiệm nhanh hơn. Những sản phẩm mới này sẽ không gặp phải sai lầm mà các hãng thường gặp là hiểu sai nhu cầu của người dùng. Người dùng thường tìm cách đáp ứng nhu cầu của chính họ trước khi các doanh nghiệp nắm bắt được nhu cầu đó. Nói cách khác, sáng tạo bởi người dùng luôn đi trước sáng tạo do nhà sản xuất nghĩ ra.


Sáng tạo là lựa chọn cá nhân


Khi một công ty bỏ tiền vào nỗ lực đổi mới, các nhân viên không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải làm theo, bất kể quan điểm hay đam mê cá nhân của họ. Trái lại, những người tham dự cuộc thi sáng tạo mở làm vậy vì bản thân họ muốn giải quyết vấn đề mà họ khao khát giải quyết. Tham gia một cách tự nguyện, họ sẽ luôn tìm đến những thử thách phù hợp, và nhờ vậy có động lực tìm ra giải pháp.


TẠI SAO NHIỀU NGƯỜI THAM GIA SÁNG TẠO MỞ?


Nhiều động lực bên trong và bên ngoài thôi thúc nhiều người tham gia các cuộc thi sáng tạo mở. Một bài báo trên báo Wall Street Journal thấu hiểu được động lực bên trong của nhiều sáng tạo mở đến từ người dùng:


Jason Adams, một giám đốc phát triển kinh doanh, từng được đào tạo ngành sinh học phân tử, chưa bao giờ tự cho mình là một hacker. Điều đó thay đổi khi ông tìm được cách theo dõi từ xa chỉ số đường trong máu cô con gái 8 tuổi của ông.


Cô bé Ella bị tiểu đường tuýp 1 và phải đeo thiết bị giám sát glucose do công ty Dexcom Inc. chế tạo. Thiết bị này đo đường huyết sau mỗi 5 phút và hiển thị trên một thiết bị nhỏ như máy nhắn tin (pager ), rất hữu ích để kiểm soát những lần đường huyết của cô bé tăng hoặc giảm đột ngột và có thể ảnh hưởng tính mạng. Nhưng nó không thể gửi dữ liệu qua Internet, có nghĩa là ông Adams không dám để Ella ngủ ở nhà bạn vì sợ em có thể rơi vào trạng thái hôn mê trong đêm.


Sau đó ông sáng lập NightScout, một phần mềm được một nhóm lập trình viên tạo ra, nhiều người trong số đó cũng có con mắc chứng tiểu đường và nhận thấy công nghệ hiện tại có những giới hạn. Ứng dụng nguồn mở họ tạo ra về căn bản xâm nhập vào thiết bị Dexcom và tải dữ liệu lên mạng Internet, cho phép ông Adams theo dõi đường huyết của Ella trên chiếc đồng hồ thông minh Pebble của ông, dù Ella có ở đâu. Ứng dụng này không hoàn hảo: làm pin chóng cạn, dễ mất kết nối và chưa được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép. Nhưng với nhiều người, nó đã khỏa lấp một thiếu sót lớn.19


Von Hippel cùng cộng sự nghiên cứu về sáng tạo mở do người dùng ở Phần Lan nghĩ ra và tìm ra 4 yếu tố ảnh hưởng việc họ tham gia vào sáng tạo mở: nhu cầu cá nhân, niềm vui học hỏi, mong muốn giúp đỡ người khác, và tiền thưởng. Trong khi số ít người coi tiền là động lực, gần 80% người dùng tham gia không chỉ vì nhu cầu cá nhân mà còn vì niềm vui học hỏi.20 Đối với những người dự thi mà không dùng sản phẩm, các động lực khác bao gồm phát triển và thể hiện kỹ năng, giúp họ giành được công việc mới, hoặc khẳng định mình trước cộng đồng.


TIẾP CẬN SÁNG TẠO MỞ NHƯ THẾ NÀO?


Để tận dụng sức mạnh của sáng tạo mở, các doanh nghiệp cần xem xét các yếu tố sau.


Xác định vấn đề cần giải quyết


Sáng tạo mở tốt nhất là dành cho những vấn đề đã rõ ràng. Bạn sẽ không học thêm được gì nếu tổ chức cuộc thi xung quanh các câu hỏi rộng và chung chung như “Tương lai của ngân hàng là gì?” Kevin Boudreau và Karim Lakhani, những người nghiên cứu nhiều năm về sáng tạo mở, đã tìm thấy rằng sẽ tìm được các giải pháp tốt hơn nếu chia vấn đề thành các phần nhỏ dễ giải quyết, và tổng quát hóa để vấn đề trở nên dễ hiểu đối với nhiều nhà sáng chế từ nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau.


Bình luận về tầm quan trọng của việc xác định rõ vấn đề, Jon Fredrickson, giám đốc sáng tạo của InnoCentive, công ty chuyên giúp các công ty khác trong các dự án sáng tạo mở, nói: “Một trong những thách thức khó khăn nhất chúng tôi gặp phải cùng khách hàng là định nghĩa vấn đề một cách rõ ràng. Khách hàng có thể cho chúng tôi biết họ muốn gì, nhưng chúng tôi thường quay về các vấn đề căn bản để tìm hiểu điều gì đang cản trở họ đạt được điều mà họ muốn”.21


Để minh họa sự khác biệt, Fredrickson mô tả thử thách mà công ty InnoCentive tổ chức cho Viện nghiên cứu Ứng phó Các sự cố tràn dầu, do Quốc hội Mỹ thành lập sau sự cố tràn dầu Exxon Valdez năm 1989 ở Alaska:


Trong quá trình dọn dẹp, hỗn hợp nước và dầu mà họ rút lên từ biển và đổ vào xà lan trở nên rất dày và nhớt dưới nhiệt độ cận Bắc cực. Xà lan phải chuyển hỗn hợp nước và dầu này lên khi vào bờ biển, nhưng quá trình này rất khó khăn và chậm chạp. Một kỹ sư miêu tả: “Chúng tôi có thể bơm được dầu, nhưng phải đưa được dầu vào máy bơm, còn trên xà lan thì dầu chảy không hề dễ dàng”. Giải pháp cần thiết ở đây là tìm cách nhanh chóng hơn để chuyển dầu từ xà lan vào bờ. Sau khi thảo luận với khách hàng, chúng tôi thay đổi vấn đề sang “Làm thế nào để chất lỏng nhớt dịch chuyển dễ hơn?”


Giải pháp thắng giải đến từ John Davis, vận dụng kinh nghiệm từ ngành xi măng. Ông miêu tả như sau:


Tôi có chút kinh nghiệm đổ bê tông, và trong quá trình đó, nếu bê tông chuẩn bị đông cứng, chúng tôi sẽ dùng những thiết bị rung bê tông. Như vậy sẽ khiến bê tông quay trở lại trạng thái chất lỏng. Đó là điều đã tạo ý tưởng cho tôi trước vấn đề này. Giải pháp là phải dùng thiết bị rung bê tông chạy bằng khí nén để khiến hỗn hợp nước-dầu chảy được.22


“Giải pháp này đơn giản và trực quan tới mức những người ở Alaska không tin nổi tại sao mình lại không nghĩ ra”, Fredrickson nhận xét. Nhưng có được nó là nhờ xác định vấn đề rõ ràng, ngắn gọn và đưa nó ra khỏi bối cảnh cụ thể của ngành dầu mỏ, để có được lợi thế là thu hút nhiều cách tiếp cận đa dạng.


Tìm những thước đo rõ ràng


Những người tham gia các dự án sáng tạo mở muốn chiến thắng, do vậy các công ty cần phải hiểu rõ sẽ đánh giá các bài dự thi như thế nào. Karim Lakhani, đứng đầu Phòng thí nghiệm Các cuộc thi Harvard-NASA tại Đại học Harvard, người phụ trách cuộc thi ISS Longeron của NASA, giải thích tầm quan trọng của việc xác định rõ vấn đề cùng các tiêu chuẩn đánh giá:


Khi NASA tìm đến chúng tôi để tổ chức cuộc thi cho ISS, họ muốn tìm cách điều chỉnh vị trí trạm sao cho tạo được nhiều năng lượng nhất. Nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là biến điều NASA đang cần thành một vấn đề cụ thể. Chúng tôi họp với các nhà khoa học của họ để hiểu điều gì đang ngăn cản ISS tạo ra năng lượng, và sau nhiều cuộc họp chúng tôi kết luận khi có một số lẻ các thanh Longeron được chiếu sáng, chúng sẽ gãy và khiến lượng điện sinh ra giảm đi.


Trước khi tổ chức cuộc thi, chúng tôi có một loạt các cuộc họp nữa với NASA để bàn xem nên đánh giá các giải pháp dự thi như thế nào. NASA phải xây dựng một mô hình để dự đoán lượng điện trạm sẽ sản sinh ở mỗi vị trí cụ thể của trạm. Những mô hình này chưa có từ trước, và chỉ khi chúng tôi cảm thấy chắc chắn rằng đây là cách hợp lí nhất để đánh giá các bài dự thi, chúng tôi mới công bố cuộc thi.23


Một vấn đề rõ ràng, dễ hiểu sẽ dễ dàng có các tiêu chí đánh giá rõ ràng. Nếu vấn đề rộng và chung chung, sáng tạo mở trở thành một nỗ lực tìm ý tưởng hơn là giải quyết vấn đề. Dù rằng dùng crowdsourcing để tìm ý tưởng không có gì sai, và nhiều công ty cũng đang làm như vậy, nếu đó là mục tiêu, cần làm rõ điều đó với những người sẽ tham gia dự thi.


Thiết kế cuộc thi


Một số điều cần được cân nhắc khi thiết kế cuộc thi, chẳng hạn tiền thưởng, thời hạn nhận bài thi, sở hữu trí tuệ, bảo mật thông tin của công ty tài trợ, các tiêu chí và quy trình chọn người thắng cuộc. Mỗi lựa chọn đều là một sự đánh đổi. Chẳng hạn, trao giải thưởng lớn sẽ thu hút nhiều tài năng nhưng sẽ giới hạn sự đa dạng ý tưởng, và nhiều người sẽ không tham dự vì cảm thấy khả năng chiến thắng thấp.


Cuộc thi có thể có nhiều giai đoạn, và mỗi giai đoạn có thể nhắm đến chuyên môn của những nhóm người khác nhau. Quá trình này là một chuỗi phân rẽ - hội tụ - phân rẽ - hội tụ, trong đó giai đoạn đầu tiên có thể mang về nhiều ý tưởng, để từ đó lựa chọn một vài, và trong giai đoạn thứ hai, những ý tưởng đó được dùng để thu hút những giải pháp tiến hành cụ thể.


Tongal, một nền tảng sáng tạo mở dành cho các nội dung và video quảng cáo, vận dụng 3 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên, Tongal cho đăng đề xuất của khách hàng và mời mọi người nộp ý tưởng cho quảng cáo dựa vào mục tiêu mà nhãn hàng đang hướng đến. Những ý tưởng đó sẽ ở dạng ngắn, từ 140-400 ký tự, giống như một post trên Twitter. Đội ngũ Tongal cùng với khách hàng sẽ đọc những ý tưởng đó và chọn ra 3-4 ý tưởng có triển vọng. Trong giai đoạn thứ 2, Tongal thông báo với một cộng đồng các đạo diễn và công ty sản xuất phim, và mời họ lên kịch bản biến những ý tưởng trên thành hiện thực. Đến giai đoạn cuối cùng, nhóm đạo diễn và nhà sản xuất thắng cuộc sẽ được trao ngân sách và các nguồn lực cần thiết để làm sản phẩm quảng cáo cuối cùng.


Tongal đã dùng đội ngũ nội bộ để thẩm định các bài thi, nhưng một số trường hợp khác, cần có đóng góp từ đám đông để chọn ra người thắng cuộc. Threadless, một website thương mại điện tử và cộng đồng online của các họa sĩ, mời người tiêu dùng nộp ý tưởng cho những chiếc áo phông và cũng mời họ chọn thiết kế thắng cuộc. Như vậy, Threadless thực ra đang nghiên cứu thị trường và bảo đảm thành công của sản phẩm mà công ty này cuối cùng sẽ chọn. American Idol, một cuộc thi tài năng trên truyền hình, cũng mời người xem bầu chọn, như vậy sẽ giúp thí sinh đăng quang có sẵn một lượng người hâm mộ và giúp album nhạc đầu tay của người đó thành công hơn.


Thách thức về mặt tổ chức


Bất chấp những tiềm năng to lớn của sáng tạo mở, các công ty vẫn vận dụng nó một cách giới hạn. Ngay cả các công ty đang đi theo hướng này cũng chỉ dành cho nó một phần nhỏ ngân quỹ và thời gian. Jon Fredrickson của công ty InnoCentive mô tả 2 thách thức về mặt tổ chức khi áp dụng mô hình vẫn còn mới này:


Thử thách đầu tiên là văn hóa “không phải do mình phát minh ra” của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được xây dựng theo cách thức R&D truyền thống. Và thông thường, một lãnh đạo cao cấp sẽ hào hứng về sáng tạo mở, và doanh nghiệp thử nghiệm hướng đi này nhưng sau đó không rõ ràng ai là người sẽ tiến hành giải pháp. Thử thách thứ hai là cá nhân – vì sáng tạo mở đe dọa công việc và vai trò của những chuyên gia trong công ty có nhiệm vụ giải quyết vấn đề. Nhiều người coi đó là thất bại về mặt cá nhân, và đây là rào cản lớn cho việc áp dụng sáng tạo mở.


Sáng tạo mở cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải từ bỏ bớt quyền kiểm soát và mở rộng lăng kính của mình. Ý tưởng nhiều khi sẽ đến từ một lĩnh vực khác, và doanh nghiệp có xu hướng gạt bỏ nó. Nhiều ý tưởng được gửi đến sẽ không ở dạng trau chuốt và chỉn chu như những ý tưởng đề xuất bởi các kỹ sư R&D hay các công ty quảng cáo chuyên nghiệp (đối với crowdsourcing ý tưởng quảng cáo). Cuối cùng, sáng tạo mở cũng có những vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh.


GIỚI HẠN CỦA SÁNG TẠO MỞ


Sáng tạo mở không phải lúc nào cũng thành công. Như đã đề cập, sáng tạo mở không có nhiều tác dụng trước những câu hỏi chung chung và mang tính khái niệm như “Tương lai của ngành ngân hàng là gì?” Một câu hỏi như vậy sẽ gợi ra nhiều quan điểm, nhưng sẽ khó phân biệt ý hay, ý dở. Nhiều người hoài nghi còn cho rằng crowdsourcing khó có thể tạo đột phá. Liệu đám đông có thể phát minh ra iPhone và xe tự lái?


Những ý kiến hoài nghi này có phần đúng. Nhưng có 3 vấn đề ở đây. Thứ nhất, để áp dụng sáng tạo mở, bài toán cần giải - như chế tạo xe tự lái – cần được chia thành nhiều phần nhỏ hơn, chẳng hạn làm thế nào để dùng các cảm biến để xe “nhìn thấy” được người qua đường. Thứ hai, dù vấn đề được xác định rõ và chia nhỏ, trong nhiều trường hợp, tiền đầu tư về phần cứng quá lớn sẽ vượt xa khả năng của một nhóm nhỏ. Thứ ba, nếu những giải pháp tiềm năng có thể đem lại hàng tỷ đô-la, tiền thưởng sẽ không đủ để các nhóm tìm ra giải pháp mà không yêu cầu giữ quyền sở hữu trí tuệ. Chẳng hạn, ngay cả nếu ai đó có thể tìm ra công nghệ sạc điện thoại không cần dây cắm, họ cũng sẽ không nộp ý tưởng qua một cuộc thi crowdsourcing chỉ để nhận vài nghìn đô-la tiền thưởng.


Các lãnh đạo doanh nghiệp cũng lo ngại lợi thế cạnh tranh sẽ bị mất khi ai cũng nhờ đám đông tìm ra những đổi mới. Trong tương lai, công ty có lợi thế cạnh tranh là những công ty có khả năng xác định bài toán cần giải quyết, chia thành các phần nhỏ và kết hợp các giải pháp cho từng vấn đề nhỏ này. Cách mà các công ty nhìn xu hướng thị trường và nhu cầu của người dùng là không giống nhau, và cách nhìn nhận định hướng tương lai sẽ quyết định mức thành công của một công ty. Nói cách khác, trong một tương lai mà crowdsourcing trở nên phổ biến, câu hỏi và bài toán mà các doanh nghiệp đặt ra, chứ không phải giải pháp mà họ đã biết, sẽ quyết định thành công.