I. Giao thiệp với các cơ quan chính phủ như thế nào
Công ty giao thiệp với cơ quan Chính phủ là một việc rất phức tạp và tinh tế. Do vậy khi giao thiệp cần phải rất có nghệ thuật, không được cứng nhắc. Muốn vậy cần chú ý tới những điểm sau:
1 - Nắm chắc mối quan hệ:
Suy cho cùng, giữa doanh nghiệp và Nhà nước là quan hệ lệ thuộc và bị lệ thuộc, nó không bao giờ thay đổi. Do vậy các doanh nghiệp cần phải hiểu rõ vị trí và địa vị của mình, khi nói năng và làm việc không được vượt quá giới hạn. Một số doanh nghiệp luôn xuất phát từ lợi ích của bản thân, chỉ làm những việc có lợi cho mình mà bất chấp tất cả thì hậu quả thật khó lường. Trong đầu óc chúng ta cần có quan niệm phải xuất phát từ toàn cục, nghĩa là cần phải nghĩ nhiều hơn đến Chính phủ, và những khó khăn của Chính phủ.
2. Yêu cầu phải thích đáng:
Rất nhiều các chính sách, pháp lệnh và các văn bản pháp quy khác của Chính phủ đều chỉ ra những phương hướng lớn trong hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp. Đương nhiên tất cả những văn bản đó của Chính phủ có thể không bao trùm lên hết các chi tiết nhỏ được; nếu những chi tiết nhỏ ảnh hưởng tới lợi ích hợp lý của doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần chỉ ra cho Chính phủ thấy và tin rằng Nhà nước sẽ giải quyết một cách có hiệu quả. Nhưng nếu những yêu cầu do doanh nghiệp đưa ra vượt quá các chế độ mà Nhà nước đã quy định rõ ràng, hoặc là quá nhiều hay quá cao thì rất có thể nhà nước sẽ từ chối. Xin chớ quên điều này? Cho nên, các doanh nghiệp không nên yêu cầu quá cao, quá nhiều, bởi như thế sẽ không đạt được mục đích!
3- "Đấu tranh" hợp lý
Doanh nghiệp phải phục tùng Chính phủ - điểm này chúng ta đều rất rõ, nhưng điều đó không phải là tuyệt đối. Khi trong một khâu nào đó mà lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp xung đột với lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp cần tranh thủ chủ động đề xuất để Nhà nước tiếp thu ý kiến của mình. Muốn đạt được điều đó, phương thức "đấu tranh" của doanh nghiệp phải có lý có tình để cho Nhà nước thấy điều đó rất xác đáng và nên làm như vậy, bởi lợi ích căn bản của Nhà nước và của doanh nghiệp không mâu thuẫn với nhau, những ý kiến đúng đắn và hợp lý chắc chắn Chính phủ sẽ tiếp thu.
4- "Ngoại giao đối đẳng”
Các cơ cấu của Chính phủ rất rộng lớn và phức tạp, trong quá trình vận hành của bộ máy này, mỗi ngành chức năng đều có những tác dụng riêng của nó. Nếu khi doanh nghiệp và các cơ quan chức năng đó không xây dựng mối "quan hệ đối đẳng" thì khó tránh khỏi chịu những kết cục không tốt. Cần phải coi công tác của các cơ quan Chính phủ đều như nhau, nếu không cũng phải chịu hậu quả như trên đã nói.
5- Cần phải nhẫn nại
Nếu như yêu cầu của doanh nghiệp mình hợp lý và chính đáng, tin rằng vấn đề sẽ được giải quyết thỏa đáng. Bởi giải quyết vấn đề là cả một quá trình, với những vấn đề phức tạp thì quá trình đó càng dài, cho nên chúng ta không thể vội vàng mà cần phải hết sức nhẫn nại.
Với một công ty tư nhân, nếu chỉ biết làm thế nào" rõ ràng là chưa đủ, mà nhất thiết còn phải biết "làm cái gì". Dưới đây xin giới thiệu ba vấn đề "nội dung chủ yếu khi giao thiệp với Chính phủ":
a/ Quan hệ mật thiết với Chính phủ
Trong xã hội Trung Quốc, các cơ quan chức năng của Chính phủ luôn luôn nằm trong một hệ thống động, thường xuyên sửa chữa và thay đổi với những mức độ khác nhau đối với những chính sách pháp quy hiện có, đồng thời xây dựng những mục tiêu lâu dài và cả những kế hoạch ngắn hạn. Trong hoàn cảnh như vậy, các thương nhân Trung Quốc nếu muốn giành được thành công trong sự nghiệp, tất nhiên phải luôn chú ý quan tâm đến sự thay đổi tình thế Chính phủ Nhà nước, phải có nhận thức tỉnh táo trước xu thế của những chính sách này và ý nghĩa của nó. Chỉ có như vậy mới có thể vươn lên chiếm vị trí hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế, mới nắm được cơ hội hiếm hoi, khai thác đầy đủ những khả năng phát triển do sự điều chỉnh chính sách của Nhà nước mang lại để từ đó biến cơ hội thành của cải, biến cái bất lợi thành một sự phát triển lớn, luôn luôn chiếm thế thượng phong.
- Tìm hiểu và nắm mọi tin tức về luật pháp, văn bản pháp quy và chính sách của Chính phủ một cách tích cực, toàn diện, chuẩn xác và kịp thời. Mà những văn bản đó sau khi đã được sửa đổi lại càng phải coi trọng hơn và nghiên cứu tỉ mỉ hơn. Cần phải tích cực tìm hiểu xem sửa đổi những gì? nguyên nhân tại sao lại phải sửa đổi? Những sửa đổi ấy có ảnh hưởng gì tới doanh nghiệp?
Cần chú ý đến động thái của các cơ cấu thông tin của Chính phủ, các cơ quan thông tấn đó thường đưa ra những thay đổi trong phương châm chính sách quan trọng của Nhà nước. Chúng ta cần phải phân tích kỹ những tin tức đó, tìm hiểu mối quan hệ của sự thay đổi đó đến lợi ích của doanh nghiệp ra sao, để mình có thể nhanh chóng đề ra những quyết sách đúng đắn, thích hợp.
- Thường xuyên và chủ động tìm hiểu những mục tiêu lâu dài và những tính toán trước mắt trong sự phát triển kinh tế của địa phương. Nếu một doanh nghiệp muốn giành được lợi ích kinh tế nhất định thì khi xây dựng kế hoạch phát triển của mình, điều này càng quan trọng hơn. Bởi vì trong các mục tiêu của địa phương và cả những tính toán trước mắt đó đều ẩn chứa rất nhiều cơ hội có lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp nắm kịp thời và chính xác các thông tin đó, đồng thời tích cực tận dụng nó thì sản xuất sẽ phát triển rất mạnh mẽ. Ngược lại, nếu không làm như vậy, doanh nghiệp sẽ luôn rơi vào thế bị động, kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp luôn đi sau Chính phủ, như vậy sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội vàng.
b / Chủ động tiếp cận Chính phủ
Lợi dụng mọi cơ hội, tích cực, chủ động gần gũi với chính quyền sẽ có tác dụng to lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Chính phủ là kiến trúc thượng tầng trong lĩnh vực kinh tế. Các doanh nghiệp muốn tạo dựng một hình tượng tốt trong chính giới, giành được lợi ích kinh tế tốt hơn trong quá trình phát triển tự thân của mình thì cần phải biết hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho, tận dụng cơ hội báo cáo tình hình doanh nghiệp do người lãnh đạo chính quyền để gần gũi họ hơn, để có thể biểu hiện mình trước mặt họ - có như vậy doanh nghiệp mới càng thu được lợi ích nhiều hơn.
Tích cực, chủ động hoàn thành mọi nhiệm vụ mà cơ quan Chính phủ và bộ phận chủ quản giao cho và nhiệt tình tham gia các hoạt động công ích mà chính quyền đề xướng ra. Đó là một vấn đề đáng để các doanh nghiệp coi trọng. Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì việc tham gia các hoạt động đó, các doanh nghiệp nhất định phải bỏ tiền ra, nhưng chưa thu gì về ngay cả, có vẻ như tiền bị lãng phí. Nhưng không nên chỉ xem xét vấn đề từ bên ngoài, như vậy không phải là nhìn xa trông rộng, không thấy được lợi ích lâu dài của chuyện đó. Thực ra, nếu chúng ta nhìn sự vật một cách biện chứng, sẽ nhận được những mặt khác rất đáng vui mừng. Xem xét từ góc độ lợi ích lâu dài của doanh nghiệp, việc doanh nghiệp hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho và nhiệt tình tham gia hoạt động công ích do chính quyền đề xướng sẽ giúp doanh nghiệp tạo dựng được hình tượng tốt trong chính giới, một hình tượng doanh nghiệp ưu việt, để lại ấn tượng tốt trong tâm trí của công chúng, sẽ nhanh chóng giành được sự khẳng định và tiếp nhận của đa số người tiêu dùng. Những điều đó sẽ giúp cho doanh nghiệp có được ưu thế trong cuộc cạnh tranh, làm cho doanh nghiệp thu được lợi ích càng lớn hơn. Cho nên, doanh nghiệp bỏ tiền của, sức lực ra hoàn thành nhiệm vụ của Nhà nước và cơ quan chủ quản giao cho, nhiệt tình tham gia các hoạt động công ích do chính quyền đề xướng hoàn toàn không phải là chuyện lãng phí tiền, mà đó là một sự giúp đỡ rất to lớn cho doanh nghiệp.
Định kì báo cáo tình hình đơn vị mình cho chính quyền và cơ quan chủ quản, đồng thời phản ánh mọi vấn đề là một việc rất cần thiết, nó sẽ tạo sự hiểu nhau giữa hai bên và tăng mức độ tín nhiệm lẫn nhau hơn, làm cho doanh nghiệp gần gũi với chính quyền hơn. Nếu xa rời chính quyền sẽ mang lại hậu quả xấu cho doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ không nắm được phương hướng phát triển kinh tế, chỉ khi Chính phủ hiểu rõ nhu cầu của doanh nghiệp và các vấn đề của doanh nghiệp thì họ mới có thể giúp đỡ giải quyết các vấn đề vướng mắc. Nếu không khai thông mối quan hệ thật tốt, không có sự hiểu nhau giữa doanh nghiệp và Nhà nước thì cho dù doanh nghiệp có gặp khó khăn to lớn đến đâu chăng nữa, Chính phủ cũng sẽ chẳng để ý đến, bởi vì họ không hiểu được các nhu cầu và vấn đề của doanh nghiệp thì làm sao mà còn nói tới việc bắt tay vào giải quyết nữa. Điều đáng chú ý là khi hai bên đã có mối quan hệ khăng khít với nhau, phía doanh nghiệp phải có thái độ hết sức thành khẩn, những vấn đề đưa ra phải rất thực tế, thiết thực và chuẩn xác, không được mê hoặc chính quyền.
c / Cần phải biết giành được sự ủng hộ của những người lãnh đạo then chốt
Trong - môi trường chính trị hết sức phức tạp ở Trung Quốc, các thương nhân muốn thành công trong sự nghiệp thì sự ủng hộ của các vị lãnh đạo chủ chốt là không thể thiếu được, sự hậu thuẫn này sẽ giúp cho bạn có thể giải quyết được những vấn đề rất lớn. Nhưng để giành được sự ủng hộ của họ là điều rất khó, yêu cầu phải có đường đi nước bước đúng đắn và cũng là một thứ nghệ thuật, một thứ học vấn. Với người thường việc này quả là khó, nhưng nếu ai có con mắt tinh đời thì có thể làm được và đó quả là một vận may. Nhưng chúng ta không nên dùng thái độ tiêu cực để đối xử với vận may đó, mà phải dùng bản lĩnh của mình để tranh thủ nó nếu bản thân thiếu đi ý thức chủ động, thiếu đi sự dũng cảm thì sẽ khó có thể làm được. Muốn có được sự ủng hộ của người lãnh đạo chủ chốt thì nhân tố quan trọng nhất chính là tố chất và điều kiện của bản thân. Về cơ bản bao gồm ba mặt: thứ nhất - bản thân phải có năng lực, có tiềm năng, tiền đồ mà lãnh đạo nhìn nhận thấy; thứ hai, phải luôn có lòng ngay thẳng, đừng bao giờ tự tư tự lợi; thứ ba - dám nắm chắc cục diện khó khăn.
II. Giao thiệp với giời truyền thông ra sao
Các công ty tư nhân nói chung ít tiếp xúc với giới truyền thông, báo chí, nhưng nếu sự nghiệp của bạn phát triển to lớn hoặc có những cống hiến đột xuất thì nhất định nhà báo, phóng viên sẽ tới gặp ngay. Bất kỳ doanh nghiệp nào không chú ý tới việc quan hệ với giới báo chí, truyền thông để xây dựng được hình tượng của đơn vị mình và những tác dụng, ảnh hưởng trong công chúng thì độ rủi ro trong kinh doanh sẽ lớn hơn. Giới truyền thông có thể giúp bạn trong các cuộc cạnh tranh gay gắt trong thương trường. Nếu ai đó lọt vào tầm ngắm của các phóng viên và bị họ coi là một đơn vị có vấn đề thì hậu quả sẽ chẳng tốt đẹp gì. Do vậy bất kỳ một ông chủ doanh nghiệp nào đều phải xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với cơ quan truyền thống, nhưng vấn đề là làm thế nào để có được mối quan hệ tốt đẹp đó?
(1) Cần biết rằng: trong tay họ đã có sẵn rất nhiều thứ rồi, chỉ có người nào ít kinh nghiệm tiếp xúc với giới báo chí mới hy vọng họ bỏ qua cho. Trừ khi bạn là những nhân vật tầm cỡ, có tiếng tăm (cả trong thương trường lẫn chính trường), nếu không thì thời gian mà giới phóng viên giành cho bạn sẽ rất có hạn. Cho nên, một khi tiếp xúc với các phóng viên, bạn cần phải đi thẳng vào vấn đề ngay, bất kỳ cách làm nào khác đều khiến cho họ có cảm giác bạn là người mới vào nghề, cơ hội để bạn được xuất hiện trên báo chí sẽ rất ít.
(2) Không nên phát biểu những lời lẽ quá giới hạn cho phép. Phóng viên thực ra rất giống như những người theo trường phái "nghi ngờ luận". Nếu lời bạn nói không đứng vững được, hoặc không để lại ấn tượng gì cho mọi người mà chỉ muốn biến những cái đó thành những tin tức thương mại thì bạn hoặc sẽ bị ngắt lời ngay hoặc có thể còn bị công kích nữa. Vâng, đúng là bạn có một số tin tức muốn cung cấp cho mọi người hiểu, nhưng phóng viên cũng có công việc cần làm của họ. Nếu để cho mọi người có cảm giác bạn chỉ là người bán hàng, điều đó không phù hợp với mục đích theo đuổi của các phóng viên và những yêu cầu của họ thì bạn không được chú ý tới cũng chẳng có gì là khó hiểu cả, hơn nữa càng không thể có được những hình ảnh như ý muốn của bạn.
(3) Một tin tức sẽ mang lại nhiều tin tức khác. Một cơ quan báo chí khác quan tâm tới câu chuyện của bạn đăng trên báo thì bạn sẽ dễ dàng làm cho các báo khác tin tưởng rằng: những thông tin mà bạn đưa ra rất quan trọng và kịp thời. Nhưng bạn cần phải nhanh nhạy và trong các thông tin mà bạn đưa ra cẩn phải nhấn mạnh rằng: đài truyền hình quan trọng nhất và nhà xuất bản có tiếng tăm nào đó đã từng đăng thông tin của bạn.
(4) Doanh nghiệp được cơ quan truyền thông chú ý tới cũng không hẳn đều là tốt cả. Bởi các phóng viên cũng luôn cạnh tranh nhau gay gắt, không phải là họ kém mẫn cảm hơn người khác mà qua kinh nghiệm thực tế họ hiểu rằng, rất nhiều người khi tiếp xúc với họ thường che dấu những sự việc quan trọng mà chỉ kể về một mặt nào đó mà thôi. Nếu hiểu hết về họ sẽ có hai cái lợi: một là làm cho phóng viên càng cảm thấy những công việc mình làm rất có hiệu quả và rất đạo đức; hai là còn có thể đưa ra những tài liệu thú vị và có kịch tính để bổ sung vào các bài viết hoặc chương trình trên truyền hình của phóng viên. Vì vậy, khi tiếp xúc với bất kỳ phóng viên nào, bạn đều phải tỏ rõ cho họ thấy bạn không phải là người xấu. Muốn làm được điều đó, bạn cần thảo luận vấn đề với thái độ rất thẳng thắn, chính trực, công minh, không thiên lệch, thậm chí có lúc còn tự nhận có những sơ xuất, nhấn mạnh bạn là người rất quan tâm đến những việc mà nhân dân quan tâm.
(5) Cần phải nói ngắn gọn: Bạn có thể phải nói một câu dài hoặc hai câu ngắn để người khác hiểu bạn, tất nhiên phải suy nghĩ, cân nhắc cho chặt chẽ. Một câu chuyện thu hút người khác cần phải làm sao thu hút họ trong thời gian ngắn nhất, hướng họ tới sự hứng thú với câu chuyện đó, điều đó hoặc liên quan trực tiếp với lợi ích của bạn hoặc bản chất khác thường của bạn. Nếu không được sự chú ý của giới báo chí thì cái lợi mà bạn thu được sẽ rất nhỏ, thậm chí sẽ chẳng được gì; điều này có thể là do những thông tin mà bạn đưa ra quá dài dòng, thiếu sức hấp dẫn, không thể kích thích cơ quan truyền thông biến nó thành những bài báo hay được. Nếu bạn muốn giới báo chí giới thiệu về đơn vị mình thì phải xác định được những điều mà bạn muốn thu hút người khác trong khâu tuyên truyền chính là trách nhiệm của bạn chứ không phải là việc của phóng viên.
(6) Phải làm tốt khâu chuẩn bị để sẵn sàng đối phó với mọi tình hình. Bạn có thể gặp rất nhiều phóng viên mà sở dĩ họ làm nghề này là vì họ có một cá tính khác người. Cũng có lúc, phóng viên hoặc những người chủ trì công việc đó thực sự là rất hùng hổ hoặc có rất nhiều thủ đoạn làm người khác phải e ngại. Không phải là họ muốn công kích bạn mà chỉ là do thói quen nghề nghiệp của họ, mà điều kỵ nhất của nghề này là sự khô khan vô vị. Trong nhiều trường hợp, bạn chỉ cần lựa theo họ là có thể làm cho họ hiểu được quan điểm của mình. Nếu không làm như vậy, chắc chắn bạn sẽ chịu tiếng xấu.
(7) Áp dụng thái độ hợp tác. Muốn xây dựng được quan hệ tốt với cơ quan truyền thông cần phải tốn công, tốn sức, nhưng một khi đã thiết lập được sẽ rất có lợi. Nếu phóng viên muốn gặp bạn để lấy tin hoặc yêu cầu cung cấp những manh mối gì đó, bạn cần phải tích cực giúp đỡ họ, vì sẽ có ngày bạn sẽ cần tới sự giúp đỡ của họ, cần tích cực đưa ra những tin tức chuẩn xác, thực sự cầu thị. Trên báo chí cũng có tình trạng tin tức đưa ra không được chân thực, nguyên nhân là do đương sự không chịu bỏ thời gian ra để giải thích cách nghĩ chân chính của bản thân. Nếu lời của bạn được trích dẫn sai, trước tiên phải liên hệ với phóng viên, thảo luận với họ một cách hữu hảo. Không nên nói với phóng viên rằng họ phải viết như thế nào. Nếu bạn tức giận nhảy bổ vào phòng biên tập thì bạn sẽ mất đi sự tôn trọng và tình hữu nghị với các phóng viên.
(8) Làm thế nào để đối phó với những phỏng đoán của phóng viên? Có một câu chuyện kể rằng, ở một công viên Quốc gia nọ, hàng ngàn con chim bỗng nhiên chết, cơ quan thông tấn đã đăng tin với hàng tít lớn trên báo chí phê bình chuyện đó khiến cho dư luận xôn xao. Bộ phận phun thuốc khử trùng của công viên đã phải thanh minh trước giới báo chí, thừa nhận sai lầm là do dùng nhầm thuốc. Họ đã giải thích vì sao xảy ra tình trạng đó và biện pháp tiếp theo là gì để đảm bảo không để chuyện đó tái diễn. Việc họ kịp thời nói rõ chân tướng của hiện tượng đã làm cho tình thế khó xử đang bùng nổ dịu lại, tiếng xấu không lan rộng hơn.
Kịp thời nói rõ sự thật có thể làm giảm những lời phê bình và ngăn chặn những thông tin bất lợi lan rộng.
Phải biết thừa nhận những việc làm sai, không nên sợ nói ra rằng: "Tôi đã phạm sai lầm”. Sự thành thực của bạn sẽ làm những người phẫn nộ phê bình bạn trở nên bớt nóng nảy, kịp thời công bố những hành động sẽ được thực thi ngay và chờ sau khi đã sửa chữa sai lầm sẽ công bố để mọi người biết là điều rất tốt.
Dưới đây xin giới thiệu một vài nguyên tắc chuẩn mực khi tiếp xúc với cơ quan truyền thông trong việc xử lý những cuộc khủng hoảng thuộc loại này.
1. Kịp thời công bố những nguy cơ của công ty cho cán bộ công nhân viên của công ty biết, không nên chờ báo chí đưa ra rồi mới công bố! Trước khi cán bộ công nhân viên biết được tin đó qua đài, báo, cần phải cho họ biết được tình hình. Nếu họ nắm được sự thật, họ sẽ nói lại cho các quan khách và người khác biết. Một nội bộ tốt, thông hiểu nhau có lợi hơn nhiều khi phải thông qua truyền thông.
2. Không nên phỏng đoán. Nếu bạn chưa biết được câu trả lời cho vấn đề ra sao thì nên nói rằng: "Tôi không biết tình hình này, nhưng tôi sẽ làm rõ sự thể ra sao, xin hẹn sáng mai tôi sẽ gọi điện báo cho anh (chị) biết".
3. Tích cực dùng nhãn quan của công chúng xem xét cục diện để có những trả lời tương ứng, nhưng trước tiên bạn cần phải suy nghĩ tới những lo lắng của họ.
4. Về những vấn đề quan trọng, đích thân người giữ trọng trách cao nhất của công ty phải đảm nhận trách nhiệm phát ngôn chứ không để cho các bộ phận khác làm. Điều này làm tăng sự tin tưởng và thanh danh của công ty bởi công chúng thông thường có thái độ hoài nghi đối với những lời nói của các bộ phận khác trong công ty.
5. Câu trả lời "chưa thể công bố được" sẽ là một sách lược xoay chuyển tốt nhất khi triển khai điều tra một cách toàn diện.
6. Chú ý động thái của cơ quan truyền thông, nhanh chóng công bố sự thật.
7. Hữu nghị lâu dài với khách hàng luôn quan trọng hơn việc công ty phải trả giá trong một thời gian ngắn. Nếu bạn muốn công bố những sai sót của mình hoặc thu hồi những sản phẩm không đạt chất lượng từ ngoài thị trường về thì cần phải làm ngay, sự giải thích thành thực sẽ làm tăng uy tín của doanh nghiệp bạn.
III. Giao tiếp với giới tiền tệ như thế nào?
Nguồn tiền từ bên ngoài là điều kiện không thể thiếu để doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất. Mức độ phụ thuộc rất cao của các doanh nghiệp vào nguồn tiền từ bên ngoài buộc chúng ta phải bắt tay vào giải quyết vấn đề đó Muốn có được tiền từ bên ngoài dứt khoát phải thông qua các ngân hàng. Chính vì vậy mà việc giao tiếp với ngân hàng là điều không thể tránh khỏi và phải tìm mọi cách để có được sự ủng hộ của giới tiền tệ thì mới có thể đạt được mục đích của mình, doanh nghiệp mới vận hành bình thường được và quy mô sản xuất của doanh nghiệp mới có khả năng mở rộng hơn. Nếu quan hệ không tốt với giới tiền tệ thì những ảnh hưởng doanh nghiệp phủ nhận thật khó mà lường hết được.
1 - Giữ nghiêm uy tín
Không chỉ ở Trung Quốc mà hầu như ở khắp nơi trên thế giới, uy tín là điều rất quan trọng đối với giới tiền tệ. Trong quá trình giao tiếp giữa doanh nghiệp và giới tiền tệ, việc giữ chữ tín là điều vô cùng quan trọng, không thể có chút gì hàm hồ, nếu không mọi cố gắng của bạn sẽ trở thành công cốc. Cho nên, khi doanh nghiệp đến ngân hàng vay tiền, dứt khoát phải tính đến khả năng trả theo hạn và cả những nhân tố khác có thể xuất hiện, để làm sao cho mình luôn là người “giữ được chữ tín". Nhưng nếu như do doanh nghiệp vì rất nhiều nguyên nhân mà đã nhiều lần thất tín thì bản thân ngân hàng sẽ mất niềm tin vốn đã có từ trước với doanh nghiệp. Ngược lại, nếu doanh nghiệp luôn giữ đúng chữ tín, sự việc chắc chắn sẽ không xảy ra tiêu cực được, quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng sẽ càng chặt chẽ và hòa hợp hơn. Bởi giới tiền tệ biết rất rõ tiền của họ chỉ có cho người khác vay mới sinh lợi được, đương nhiên họ muốn cho những nơi đáng tin cậy và độ an toàn cao vay. Nếu đối tượng vay là một doanh nghiệp luôn giữ chữ tín thì doanh nghiệp đó luôn dễ dàng có được tiền khi cần và còn được hưởng cả những chế độ ưu đãi khác nữa. Từ đó có thể thấy rằng: khi doanh nghiệp và giới tiền tệ quan hệ với nhau thì việc giữ chữ tín thật vô cùng quan trọng!
2- Để cho các đơn vị tiền tệ có cảm giác an toàn
Chúng ta không thể coi nhẹ điểm này: giới tiền tệ cũng là một thực thể kinh tế, mà là một thực thể rất đáng được chú ý. Khi doanh nghiệp đưa đơn xin vay tiền đến ngân hàng, nhất thiết phải trình bày rõ dùng số tiền đó vào việc gì và hiệu quả kinh tế của nó ra sao. Khi làm việc này, cần đặc biệt chú ý tới vấn đề phương pháp sao cho có thể làm cho ngân hàng nhận thức được việc đầu tư của bạn nhất định sẽ sinh lời một cách chắc chắn, nên việc vay tiền tuyệt đối sẽ không có vấn đề gì trục trặc xảy ra cả.
3- Luôn giữ mối liên hệ với giới tiền tệ
Sau khi doanh nghiệp vay được tiền, vẫn luôn cần thường xuyên và kịp thời thông báo cho giới tiền tệ tất cả những thông tin có liên quan, định kỳ báo cáo tình hình tiến triển của các hạng mục đầu tư và sự quay vòng của tiền tệ. Khi họ tới doanh nghiệp kiểm tra các tình hình có liên quan thì bạn phải tiếp đón chu đáo, nhiệt tình; chủ động báo cáo, công bố những tư liệu có liên quan; tích cực phối hợp với họ để hoàn thành việc kiểm tra. Chỉ có như vậy thì doanh nghiệp mới giữ được quan hệ lâu dài và tốt đẹp với ngân hàng và ngược lại, họ mới phấn khởi, tin tưởng để hợp tác tiếp tục. Nhưng thực tế, một số doanh nghiệp lại không làm như vậy, sau khi đã vay được tiền, họ liền quay mặt đi và cho rằng đây là lúc ngân hàng phải cần đến họ; nếu như làm như vậy thì chính là tự cắt đứt đường đi của mình về sau.
IV. Giao thiệp với đơn vị sở tại như thế nào?
Trung Quốc có câu ngạn ngữ "anh em xa không bằng láng giềng gần", quan hệ giữa doanh nghiệp và sở tại được coi là quan hệ gần, "quan hệ làng xã".
Biết kết bạn chính là điều rất tuyệt vời. Các doanh nghiệp nhỏ thường ở các thị trấn có vị trí địa lý đặc biệt. Rất nhiều các doanh nghiệp hương trấn, doanh nghiệp tư nhân được đặt ở đây. Những đơn vị này có quan hệ nhiều mặt với địa phương, ví dụ như về nhân lực, về quan hệ giữa ông chủ với quần chúng nhân dân, với một số tổ chức sở tại (như chính quyền, công an...) phải mật thiết và rất tế nhị. Tất cả mọi người luôn nhìn thấy nhau, có việc là phải quan tâm, thông cảm với nhau, cùng nhau xây dựng một khu vực văn minh "thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Ngược lại, nếu các mối quan hệ này xử lý không được tốt, sẽ tạo ra mâu thuẫn và xung đột giữa hai bên.
Doanh nghiệp nhỏ cần xử lý thỏa đáng mối quan hệ đó và phải bắt đầu từ các mặt dưới đây:
1 . Các cá nhân phải hiểu nhau
Đây là khâu then chốt, là tiền đề để khai thông và xử lý mọi việc sau này. Nếu xây dựng được một cơ chế ổn định và hiệp thương với đơn vị sở tại thì hoàn toàn có thể cảm thông lẫn nhau, hóa giải được mâu thuẫn, đề phòng được những bất trắc có thể xảy ra. Doanh nghiệp phải có người chuyên trách lo việc này và cần phải biết lợi dụng các cuộc hội họp ở địa phương để tuyên truyền cho hoạt động của mình; ngoài ra, chủ yếu là dựa vào quan hệ cá nhân để tìm hiểu công tác của địa phương, của gia đình họ...
2- Phải giữ cho môi trường tốt
Điều này chủ yếu là chỉ những vấn đề bất lợi cho địa phương do doanh nghiệp gây ra, mà doanh nghiệp đóng tại địa phương lại cần phải làm lợi cho nhân dân địa phương, cải thiện đời sống cho nhân dân ở đó. Điều này đã được doanh nghiệp và công chúng thừa nhận, nếu không họ sẽ không cho doanh nghiệp tồn tại ở địa phương mình.
3. Tăng cường một số thiết bị
Tăng cường một số thiết bị y tế trong bệnh viện, các thiết bị đảm bảo an toàn sức khỏe trong sân vận động, bể bơi; đồng thời tổ chức các hoạt động đối ngoại như mở triển lãm, chiếu phim v. v... Nhưng nếu chỉ có vậy cũng chưa thể thu được hiệu quả tốt, bởi cư dân ở đây biết rằng, tất cả những thiết bị đó vẫn là sở hữu của doanh nghiệp, tuy có phục vụ họ theo yêu cầu. Do đó, cần phải có khẩu hiệu để khích lệ động viên họ, đại loại như "Hoan nghênh các bạn đến sử dụng" chẳng hạn. Những công việc này cần phải ủy nhiệm cho người làm công tác văn hóa văn nghệ đảm nhiệm mới có hiệu quả tốt được.
4- Công tác quyên góp hiến tặng
Tham gia các hoạt động công ích ở địa phương như phụ trách công tác điều trị cho người bệnh, giúp đỡ các thiết bị cho trường học, nhà dưỡng lão, phúc lợi cho người tàn tật, sửa chữa đường xá cho địa phương v.v. . . Kịp thời ủng hộ, giúp đỡ khi địa phương xảy ra các vấn đề như hỏa hoạn, dịch bệnh, lũ lụt v.v... Thông qua những hoạt động này để tranh thủ sự tin yêu và tín nhiệm của công chúng địa phương.
5- Tiếp thu lãnh đạo
Phải chú ý giữ mối quan hệ với những quan chức đứng đầu địa phương. Phải biết đi lại với họ để qua các câu chuyện, trao đổi cùng nhau giải quyết các vấn đề nảy sinh, để các quan chức địa phương hiểu được hiện trạng và tương lai phát triển của doanh nghiệp, vị trí của những sản phẩm của doanh nghiệp trong thị trường, những cống hiến của doanh nghiệp cho địa phương làm cho họ tin tưởng và ủng hộ doanh nghiệp.
6- Làm đẹp môi trường
Thông qua việc làm đẹp môi trường trong nội bộ và xung quanh để cư dân xung quanh hưởng thụ cái đẹp sạch của môi trường, phát huy tác dụng xanh sạch đẹp môi trường.
7- Bảo vệ an toàn
Vấn đề an toàn của địa phương cũng là một phần trách nhiệm của doanh nghiệp, cần chi tiền ra thì phải chi, cần rút người ra để làm cũng phải rút, luôn luôn tạo ra hình tượng "người canh gác” cho địa phương.
V. Giao thiệp với những người cùng nghề như thế nào?
Trong thị trường hiện tại, tồn tại rất nhiều những doanh nghiệp cùng kinh doanh một loại mặt hàng hoặc cùng một loại dịch vụ nên thường xuyên phải cạnh tranh nhau gay gắt để tồn tại. Từ khi doanh nghiệp bắt đầu bước vào thị trường, ai cũng muốn tìm cách để tồn tại, đó là một thực tế khách quan. Nhưng trong xã hội hiện đại, nhất lại là buổi bình minh của xã hội hiện đại Trung Quốc, câu nói "cùng nghề là oan gia cần được xem xét lại. Bởi vì trong cuộc cạnh tranh thương mại có xu hướng ngày càng gay gắt này, chỉ có kết bạn với những người cùng ngành nghề, cùng hợp tác với nhau mới có thể tăng cường được thực lực, giành được ưu thế lớn hơn, để từ đó giữ được một chỗ đứng chắc chắn trong thị trường. Thực ra, trong cuộc cạnh tranh gay gắt đó, những người gọi là đối tác của bạn cũng phải chịu mọi áp lực như bạn. Do vậy, bạn sẽ có nhiều cơ hội để kết bạn với những đối tác cạnh tranh của mình. Thương nhân Trung Quốc khi tham gia cạnh tranh thị trường để phát triển kinh tế, tuy cuộc cạnh tranh với đối tác là một mất một còn, nhưng chớ quên rằng; đối tác cạnh tranh của bạn cũng có lúc giúp đỡ bạn.
1- Kết bạn với người cùng ngành là một hướng đi tốt
Những thương nhân thông minh trong cuộc cạnh tranh gay gắt không chỉ nhìn thấy những áp lực do cạnh tranh mang lại để từ đó mà từ chối quan hệ với đối tác, càng không coi đối tác là kẻ thù của mình; họ biết đồng thời với cạnh tranh, còn phải cố gắng lớn để kết bạn với đối tác, tăng cường quan hệ hợp tác với họ trong một số mặt nào đó để đảm bảo một vị trí có lợi trong cạnh tranh thị trường. Thương nhân Trung Quốc không chỉ cần phải biết bốn biển đều là bạn bè", mà còn phải thấy "nhiều bạn sẽ nhiều đường đi hơn", nhìn thấy tác dụng lớn lao của bạn bè.
(1) Mượn sức mạnh của bè bạn để bổ xung những chỗ thiếu của mình:
Trong xã hội Trung Quốc hiện nay, công tác quản lý kinh doanh thường xảy ra tình trạng sau: phải khó khăn lắm mới liên hệ được một vụ làm ăn lớn, nhưng khách hàng lại yêu cầu phải hoàn thành trong một thời gian nhất định, mà nếu chỉ riêng doanh nghiệp mình làm thì sẽ không xong được, Trong trường hợp đó, một doanh nghiệp kém cỏi sẽ từ chối vụ làm ăn, như vậy vừa để mất cơ hội lại mất cả lợi nhuận, còn làm tổn hại hình ảnh đơn vị mình, ảnh hưởng xấu tới khả năng phát triển về sau. Biện pháp tốt nhất lúc đó là mượn sức mạnh của "đồng nghiệp" để hoàn thành công việc của mình. Từ thực tế rất đơn giản đó, chắc chắn bạn đã nhận rõ rằng: ngoài việc phải cạnh tranh với đối tác còn phải biết hợp tác với họ nữa, cần phải giao thiệp với họ. Đây là điều rất quan trọng! Khi bạn giúp người khác, sẽ có ngày có người giúp lại bạn, cái bạn bỏ ra không hề lãng phí, bạn sẽ được đền đáp lại. "Lợi cho người cũng là lợi cho mình", ý nghĩa của việc làm trên chính là ở chỗ đó.
(2) Khi cần thiết phải liên kết lại để đối phó với đối tác khác
Cùng với việc nhất thể hóa kinh tế quốc tế đang đến gần, trong kinh tế thị trường hiện đại, đối tác cạnh tranh của doanh nghiệp ngày càng nhiều, phạm vi ngày càng rộng lớn hơn, thậm chí còn mang tính toàn cầu. Cục diện đa nguyên hóa chủ thể cạnh tranh làm cho một người này có thể liên kết với một đối tác cạnh tranh khác để hình thành một "chiến tuyến" thống nhất, cùng nhau đối phó với một đối tác cạnh tranh lớn hơn để giữ được thị phần của mình trong thị trường có hạn đó. Trong xã hội Trung Quốc, kinh tế thị trường đang ở giai đoạn phát triển ban đầu, thể chế thị trường còn chưa đủ độ chín do bối cảnh này mà tồn tại rất nhiều cuộc cạnh tranh không bình đẳng. Do đó, các doanh nghiệp liên kết lại để đối phó với một đối tác lớn tỏ ra có hiệu quả hơn.
(3) Trao đổi thông tin, khống chế các hành vi chèn ép người khác có liên quan
Các doanh nghiệp trong cùng một ngành nghề trong cuộc cạnh tranh gay gắt không phải là không trao đổi thông tin cho nhau. Họ luôn tăng cường công tác trao đổi này để làm cho doanh nghiệp có tài liệu khỏi bị kẻ khác lợi dụng mình.
Hội liên hợp hữu nghị giữa các giám đốc ngành in Bắc Kinh là một ví dụ, đây là một tổ chức do các doanh nghiệp ngành in lập ra nhằm thông qua các phân tích, điều tra để giúp các doanh nghiệp in về hai mặt sau: thứ nhất là đưa ra các dự báo về tình hình sản xuất của doanh nghiệp theo mùa vụ trong năm, giúp doanh nghiệp nắm rõ tình hình có thể xảy ra trong tương lai gần; thứ hai là tổng kết tình hình sản xuất theo mùa vụ của các doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả lợi nhuận và giá trị ngày công sản xuất... Làm như vậy có rất nhiều điểm tốt, làm cho doanh nghiệp có thể sử dụng được hết nguồn tư liệu của mình, kết cấu đầu tư hợp lý hơn, viễn cảnh đầu tư tốt đẹp hơn. Những tổ chức loại này hiện có rất nhiều trong xã hội Trung Quốc. Tác dụng của nó không chỉ làm tin tức lưu thông giữa các doanh nghiệp mà còn làm cho họ liên kết với nhau lại, có thể định ra được một mặt bằng giá cả thống nhất chung, hoặc có thể khống chế được.
Cái gọi là ngành nghề có liên quan là chỉ những ngành nghề mà sản phẩm của họ có mối quan hệ với nhau, hoặc là dùng để chỉ nó có thể trực tiếp ảnh hưởng đến cơ cấu tiêu thụ sản phẩm của một doanh nghiệp. Nếu một doanh nghiệp đơn độc áp dụng hành động giảm giá trị sản phẩm, cũng làm cho thu nhập lợi nhuận của doanh nghiệp khác cùng sản xuất sản phẩm loại này cũng bị giảm sút theo. Nếu gặp tình trạng này, không nên hành động đơn phương, mà cần phải liên kết với các doanh nghiệp bạn cùng ngành nghề, cùng nhau đoàn kết lại, tạo phản ứng mạnh mẽ với doanh nghiệp kia, thậm chí có thể áp dụng biện pháp mạnh, tăng cường khống chế để giữ cho được lợi ích chính đáng chung.
(4) Cần lấy kinh nghiệm quản lý kinh doanh của bạn hàng làm tấm gương cho mình học tập
Giữa các đồng nghiệp, do cùng một lĩnh vực nghiệp vụ, nhiều người có nhiều kinh nghiệm tốt, đường đi nước bước hợp lí - những điều đó có thể giúp bạn vượt qua những khó khăn; đồng thời nó cũng làm cho mọi người gần nhau hơn, để tìm ra những chỗ chênh lệch giữa mình và người khác để tìm cách hoàn thiện bản thân.
2. Giao thiệp với người cùng ngành nghề như thế nào?
Đã là cùng ngành nghề ai cũng phải đứng trước câu nói "Cùng nghề là oan gia". Vì vậy trong việc qua lại với những người cùng nghề cần phải chú ý, bạn chỉ có thể làm một người bạn của "oan gia", mối quan hệ của bạn phải có giới hạn nhất định, hoặc nói cách khác là chỉ là bạn bè ở một số mặt nào đó, bởi dù sao bạn và họ vẫn là đối tác trong thương trường, mà bạn lại luôn muốn giành thắng lợi trong cuộc cạnh tranh gay gắt đó. Dưới đây xin giới thiệu một số vấn đề cần chú ý:
(1) Không làm tổn hại tới lợi ích của người tiêu dùng
Người tiêu dùng là Thượng đế, bất kỳ doanh nghiệp nào nếu không được họ thừa nhận và ủng hộ thì đều đứng trước nguy cơ sụp đổ. Có thể do nhu cầu tiêu dùng nên những Thượng đế đó một lúc chưa thể có ngay được các hành động đối với sự không công bằng của nhà sản xuất, nhưng cạnh họ luôn có Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cùng với một loạt văn bản pháp luật do nhà nước ban hành cũng nhằm bảo vệ quyền lợi thiết thân của họ; cho nên, bất kỳ sự hợp tác nào giữa các doanh nghiệp đều phải lấy phục vụ lợi ích người tiêu dùng làm trọng!
(2) Quan hệ tốt với bên cung ứng
Sản xuất công nghiệp hiện đại ngày càng phức tạp. Một doanh nghiệp muốn duy trì sản xuất bình thường, cần không ngừng mở rộng quy mô sản xuất và như vậy phải dựa vào ngành cung ứng nguyên vật liệu, các linh kiện, thiết bị, năng lượng... Không những vậy, họ còn cung cấp những nguyên liệu, thương phẩm giá rẻ, có chất lượng tốt, ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp. Ngoài ra, họ còn cung cấp những thông tin rất quý giá về thị trường, giá cả, xu thế tiêu dùng cho chúng ta. Như vậy, ta có thể thấy rằng, doanh nghiệp muốn nâng cao lợi ích kinh tế thì quan hệ tốt với bên cung ứng là một trong những biện pháp rất quan trọng. Do vậy trong quá trình hợp tác, cần phải ghi nhớ điều này.
(3) Phải có mối quan hệ chân thành với bộ phận cung tiêu
Trong quá trình đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng, cơ quan cung tiêu có vai trò rất quan trọng. Do họ đảm nhiệm trọng trách tiêu thụ sản phẩm cho nên quan hệ tốt với họ chẳng những giúp cho sự hợp tác tốt đẹp, mà còn có cơ hội để họ tích cực, chủ động tuyên truyền cho tiếng tăm của doanh nghiệp mình. Điều này vô cùng quan trọng.
VI. Giao thiệp giữa các ông chủ như thế nào
1 - Các loại ông chủ
Con người có tính cách và sở thích khác nhau, nên khi giao thiệp với các ông chủ khác nhau cần phải nhận rõ ông ta thuộc loại người nào mới có thể dễ dàng quan hệ được.
Dưới đây xin giới thiệu năm dạng thường thấy để các bạn tham khảo:
(1) Ông chủ ngạo mạn, không có lễ nghĩa
Trong quan hệ thương mại, ta thường gặp một số ông chủ tự cho mình giỏi giang hơn người. Đó thường là người đại diện cho các công ty lớn, họ luôn coi thường các công ty nhỏ; hoặc là người tính cách ngạo mạn, luôn tỏ ra chỉ mình họ là nhất, họ còn có thể là những ông chủ nhỏ nhưng luôn giả bộ rất thâm trầm để tranh thủ giành chủ động. Cử chỉ của những người này thường thất lễ, lời nói như dao cứa, thái độ ngạo mạn. Loại người này khiến người khác hễ gặp là muốn nổi giận, là một điển hình không được hoan nghênh. Nhưng khi ta buộc phải tiếp xúc với họ thì cần xử lý thế nào đây?
Đối phó với những ông chủ thuộc loại này cần dứt khoát, nói ngắn nhưng có sức nặng, không nên nói chuyện nhiều với họ, vì "nhiều lời bất lợi". Khi chưa làm gì đắc tội với họ thì cần hết sức ngắn gọn, luôn đề phòng cẩn thận để tránh rơi vào bẫy của họ.
Đương nhiên, mỗi người đều có cá tính và sở thích riêng, đều có lập trường và nỗi khổ riêng; những ông chủ loại này có thể là gặp bất lợi trong kinh doanh, hoặc đang bị cấp trên phê bình, hoặc gia đình họ đang có vướng mắc. Do vậy chúng ta cần cảm thông chứ không nên so đo, nói lý với họ, cố gắng đơn giản hóa cuộc gặp là được.
(2) Ông chủ thâm thuý:
Đó là những người không chịu để người khác tìm hiểu tâm tư của mình hoặc biết họ đang nghĩ gì; thậm chí khi nói chuyện, họ không đề cập tới chủ đề chính mà thường nói vòng vo. Loại người này ý thức phòng vệ tương đối mạnh, nói chung không muốn bộc lộ điểm yếu của mình cho người khác biết; thậm chí, khi yêu cầu họ đưa ra đáp án hoặc phán đoán, họ lại giả bộ làm như không hiểu để hy vọng đối tác lộ nguyên hình. Thứ tâm tình này ta có thể hiểu và cần phải hiểu được.
Với những người này, bạn chẳng cần nóng vội làm gì, cũng không cần hỏi han nhiều tình hình về họ, lại càng không bộc lộ những tình hình của bản thân, bạn chỉ cần đưa cho họ những tài liệu bạn đã chuẩn bị sẵn (đương nhiên phần quan trọng nhất bạn phải giữ lại) để họ căn cứ vào tài liệu đó đưa ra quyết định cuối cùng, họ càng kín đáo lại càng cần tới bạn hơn.
(3) Ông chủ có tính quyết đoán một cách đại khái
Loại người này thoạt nhìn tỏ ra rất sảng khoái. Thường khi cuộc gặp đến đoạn cao trào thì đột nhiên đưa ra những quyết đoán, gây ra cho người ta cảm giác như sét đánh ngang tai.
Những người này thường tính rất nóng, không kiên nhẫn nghe người khác nói, tự mình quyết định, một số người tỏ ra rất chắc chắn, tự cho mình là người quyết đoán.
Thực ra, những ông chủ loại này do tính tình nóng nảy nên thường có cảm nhận sai hoặc hiểu sai sự việc, thường quyết đoán rất đại khái nên gây ra những tốn thất khó lường được.
Khi giao thiệp với những người này cần phải bình tĩnh, thong thả, tốt nhất là nói từng việc một, sau mỗi việc cần xin ý kiến ngay và kiên quyết đến cùng rồi mới chuyển sang vấn đề khác. Có như vậy mới tránh sinh ra sai lầm, tránh những phiền hà và những tổn thất về kinh tế không đáng có.
(4) Những ông chủ ngoan cố
Những ông chủ cố chấp, ngoan cố thường rất khó đối phó. Bởi vì, dù bạn nói gì chăng nữa, hầu như họ đều không nghe, luôn giữ ý kiến của họ, ngoan cố đến cùng. Quan hệ với những người này, rất mệt người lại mất thời gian mà thường chẳng mang lại kết quả gì cả. Do đó, khi tiếp xúc với loại người này cần ghi nhớ hai điều: một là nói vừa đủ rồi dừng lại ngay, nếu nói nhiều sẽ chỉ phí công mà thôi; hai là cần nói ngắn nhưng có đủ sức nặng, tốt nhất là nói những chuyện có thể đánh động tới hoặc làm họ phải rung động.
(5) Những ông chủ không hề biểu lộ tình cảm gì
Tình cảm và trái tim của con người thường được biểu hiện qua hình thái ngôn ngữ. Trong giao tiếp, nhiều người đưa vào đó để làm công cụ nhằm phán đoán tình hình. Nhưng có một số người lại không hề biểu lộ tình cảm gì cả, có thể nói sự vui buồn hờn giận của họ hầu như vô hình. Loại người này có thể rất thâm trầm, thừa cứng nhắc, giao tiếp với họ cần phải đặc biệt chú ý, có lúc họ nói chuyện với bạn nhưng lại tỏ ra chẳng có gì hứng thú cả, có lúc lại như họ đang tự suy tính gì đó trong đầu mình.
Do đó, khi giao tiếp với họ, trước tiên phải nói tới những thứ có tính chất mẫn cảm và kích thích họ để tạo ra sự hứng thú. Người ta thường nói “đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn", nhìn mắt có thể hiểu rõ nội tâm họ. Đồng thời quan sát lâu cặp mắt và cằm họ cũng có thể làm cho họ mất tự nhiên, lúc đó họ sẽ chủ động nói tới những việc có liên quan, gây cho bạn chú ý trong giao tiếp, hình thức này được gọi là "Vây Ngụy cứu Triệu".
2 - Bốn nhân tố lớn ảnh hưởng tới quan hệ của ông chủ
Trong đám đông các ông chủ, giữa họ luôn luôn tạo ra các mối quan hệ phức tạp, nhưng mức độ thân thiết lại không giống nhau. Có mối quan hệ rất thân thiết; nhưng cũng có mối quan hệ luôn đối kháng nhau, tranh giành nhau; lại có những quan hệ rất nhạt nhẽo. Các nghiên cứu tâm lý học cho thấy có bốn nhân tố ảnh hưởng tới mức độ thân mật trong quan hệ, bao gồm:
(1) Nhân tố khoảng cách
Khoảng cách về địa lý giữa hai người càng ngắn thì quan hệ giữa họ càng thân thiết hơn. Ngạn ngữ có câu "người thân ở xa không bằng láng giềng gần gũi", khoảng cách càng gần thì người ta càng dễ hiểu nhau hơn. Một công trình nghiên cứu ở Mỹ cho thấy: những người sống trong cùng một tòa nhà, nếu khoảng cách càng gần thì càng dễ xây dựng được mối quan hệ hữu nghị tốt hơn; những người sống khác tầng trong tòa nhà đó thì khả năng trở thành bạn bè lớn hơn nhiều. Ngay những người sống cùng một tầng, nhưng nếu hai hộ cách nhau khoảng 22m thì mối quan hệ bè bạn hữu nghị cũng khác so với khi hai hộ cách nhau 88m. Đặc biệt là những ông chủ có nơi sinh gần nhau cũng dễ tạo thành quan hệ tốt đẹp hơn.
Đương nhiên khoảng cách không phải là nhân tố chủ yếu hình thành mối quan hệ của con người, đặc biệt là trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay, sự ảnh hưởng của nhân tố này đã yếu đi nhiều, nhưng dù sao nó vẫn là một trong những nhân tố ảnh hưởng quan trọng. Do gần gũi, họ thường xuyên đi lại với nhau thì quan hệ thân mật giữa họ càng được củng cố hơn.
(2) Tần suất giao tiếp
Khái niệm này là để chỉ số lần tiếp xúc với nhau. Nói chung, tần số này cao thì càng dễ hình thành quan hệ thân mật hơn, vì số lần tiếp xúc nhiều sẽ dễ hình thành một kinh nghiệm chung, một tiếng nói và sự cảm thụ chung hơn. Đặc biệt là đối với những người mới quen biết nhau thì khoảng cách địa lý và tần suất giao tiếp càng có tác dụng quan trọng cho việc hình thành mối quan hệ thân thiết hơn.
Với một ông chủ, không chỉ đơn giản coi tấm danh thiếp chỉ là danh thiếp, mà cần chuyển hóa nó thành mối quan hệ. Hiện nay, tên một ông chủ trên tấm danh thiếp có thể chẳng có ý nghĩa gì với bạn, nhưng nó cũng là một thứ vốn liếng ngầm" có thể có tác dụng lớn sau này; trước mắt, bạn cũng có thể qua họ mà nắm bắt được một số tình hình và học được không ít điều.
(3) Có thái độ giống nhau
Mối quan hệ giữa các ông chủ càng sâu sắc thì bạn càng cảm nhận được rằng: tuy có ông chủ ở gần, qua lại với nhau cũng nhiều nhưng vẫn có một cái gì đó ngăn cản họ. Người thì ưa nịnh trên nạt dưới; người rất thâm thúy; người thì bộc trực; người lại rất nham hiểm, xảo quyệt... Những người có tính cách và phẩm chất giống nhau, đặc biệt là cách nhìn nhận sự việc giống hoặc gần giống nhau dễ dàng có tiếng nói chung hơn, quan hệ cũng tốt hơn. Do đó, thái độ giống nhau sẽ là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới mối quan hệ.
Nhưng là một ông chủ, đặc biệt là những ông chủ luôn hướng về tương lai - không thể chỉ dựa vào sự tốt xấu của một con người để chơi với họ hay gạt họ ra khỏi cửa, hãy mở rộng tấm lòng - giống như một thung lũng - có thể chứa cả trăm con sông, đó mới là phong độ của một vị tướng soái.
(4) Cần bổ xung cho nhau
Trong cuộc sống hiện thực, không chỉ những người có thái độ giống nhau mới hình thành quan hệ tốt với nhau, mà ngay cả những người có nhu cầu, tính cách hoàn toàn trái ngược nhau cũng có thể hình thành mối quan hệ hữu hảo với nhau được: người nóng tính và người dịu dàng có thể sống với nhau rất tốt; người độc đoán chuyên quyền với người quyết đoán ôn hòa có thể kết thành bạn tốt của nhau; người hoạt bát, nói nhiều với người trầm tĩnh, ít nói có thể thành bạn bè thân thiết - giữa hai bên có sự bổ sung cho nhau, thỏa mãn yêu cầu của nhau.
Sự bổ sung cho nhu cầu, lợi ích là cái nút quan trọng để làm quan hệ giữa họ bền chặt hơn, đặc biệt là trong những lúc gặp khó khăn thì càng thấy rõ hơn. Phản ứng dây chuyền "một người được thì người người được theo, một người mất sẽ nhiều người mất theo" thường là một liều thuốc dùng điều chỉnh mối quan hệ giữa các ông chủ. Do vậy, dù bạn đang rất thuận lợi, cũng chớ quên những người cùng hội cùng thuyền; khi họ yêu cầu giúp đỡ, bạn hãy đưa tay ra giúp họ, có thể họ sẽ là người giúp đỡ rất đắc lực cho sự nghiệp sau này của bạn.
Có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa các ông chủ; nhưng điều quan trọng là ông chủ phải biết nhìn về tương lai, phải có ý thức và tầm nhìn đối với sự phát triển; biết tổng hợp các nhân tố đó lại, phân tích cụ thể từng vấn đề - đó là thứ chân lý bất biến của những ông chủ có quan hệ rộng.
3. Giao tiếp với những ông chủ lớn như thế nào?
(1) Cần phải nắm chắc quan hệ thực lực
Những ông chủ lớn hoặc ông chủ có tiếng tăm rất ít khi gặp gỡ những ông chủ nhỏ, vì vậy nếu được hợp tác hoặc kết bạn với họ thì thật vinh dự; bởi vì qua họ, tầm mắt bạn sẽ rộng mở hơn, sẽ học được nhiều điều mà bình thường bạn không thể học được.
Muốn giao thiệp được với ông chủ lớn thì việc cơ bản nhất là phải nắm được quan hệ thực lực của họ. Dù gì thì họ cũng là một con người chứ không phải thần thánh, họ cũng có các mối quan hệ xã hội, họ có nghiệp vụ, có các ý thích và đặc trưng tính cách khác nhau. Đặc biệt là giới truyền thông hiện nay thường quan tâm tới mọi tình hình của họ, qua đó bạn cũng hiểu được một phần về con người họ.
Con người có rất nhiều mối quan hệ xã hội khác nhau, ông chủ lớn cũng vậy. Bạn có thể tìm hiểu được về họ qua lịch sử, quá khứ, tổ tiên, cha mẹ, người thân, bạn bè, con cái của họ.
Tìm hiểu họ qua những nghiệp vụ của họ là con đường ngắn và tốt nhất. Phạm vi kinh doanh của họ chủ yếu là gì, thứ yếu là gì, các công ty con của họ phân bố như thế nào, người lãnh đạo ở đó là ai, trong khoảng thời gian bao lâu thì ông chủ lớn đi kiểm tra các công ty nhỏ, công ty con...
Tìm hiểu ông chủ lớn qua sở thích và hứng thú của họ: ông ta thích những hoạt động gì, thích vật phẩm gì, thích người có tính cách ra sao, họ thích hoặc hay tham dự các cuộc hội họp gì, phương thức nghỉ ngơi và giải trí của họ ra sao, hay đi tới những nơi nào v. v...
Tóm lại, khi muốn kết giao với một ông chủ lớn mà lại không có cơ hội thì bạn hãy bắt đầu tìm hiểu theo những điều nói trên và chắc chắn sẽ phát hiện ra một số cơ hội nào đó.
(2) Tạo không khí cho buổi gặp đầu tiên
Khi bạn phát hiện hoặc tạo ra được cơ hội gặp ông chủ lớn, cái quan trọng nhất là tạo ra không khí đặc biệt cho buổi gặp mặt đó. Bởi vì, trong một đám đông rất nhiều nhân vật, có lẽ bạn chỉ là một thành viên rất bình thường, có khi còn không có dịp nói một lời nào với họ là đằng khác.
Trong việc lựa chọn vị trí, tất nhiên phải cố gắng chọn được nơi càng gần ông chủ lớn càng tốt, sao cho ông ta có thể phát hiện ra bạn để bạn có cơ hội xây dựng được mối quan hệ với ông ta.
Đồng thời, phải biết cách ăn mặc cho thật có cá tính, vì lần tiếp xúc đầu tiên, người ta thường quan sát cách ăn mặc để tạo ra ấn tượng đầu tiên. Trang phục biểu hiện cá tính, đặc trưng của con người dễ làm người khác thấy rõ nhất.
Cần đối mặt trực tiếp với những việc mà họ quan tâm để kích thích họ, nhanh chóng phát hiện ra những việc mà đối tác chú ý tới, tìm ra những lời nói thích hợp, nắm được sự chú ý của đối tác, kích thích hứng thú của đối tác, lời nói phải có sức mạnh nhưng ngắn gọn có tính sáng tạo độc đáo, làm đối tác rung động, để lại ấn tượng tốt cho đối tác.
(3) Phương pháp để lọt vào mắt xanh của ông chủ lớn
Thể hiện năng lực của mình một cách thích đáng là phương pháp quan trọng để có thể lọt vào mắt xanh của ông chủ lớn. Những ông chủ lớn thường thích tài năng, yêu người tài; nếu bạn luôn tỏ ra tán đồng ý kiến của họ mà không dám dưa ra những kiến giải của chính mình thì họ sẽ có cảm giác không hay về bạn. Do vậy, biểu hiện một cách thích đáng tài năng của bản thân sẽ làm cho ông chủ lớn thích bạn. Đương nhiên, bạn không nên biểu hiện một cách thái quá, khiến cho người nghe dễ sinh ra cảm giác bạn muốn khoe khoang để lấy lòng ông chủ lớn.
Tìm cách tặng quà cũng là một phương pháp lấy được tình cảm của ông chủ lớn. Nhưng phải căn cứ vào tình huống cụ thể chứ không thể mọi lúc đều giống nhau được và càng không thể nhờ qua người khác. Quà tặng không nhất định là món quà đắt tiền, mà phải là thứ mà họ thích; đồng thời cách tặng cũng hết sức tế nhị, bắt đầu ngay từ khi đóng gói đã phải thể hiện phong cách của bạn. Cũng có lúc, có thể đưa quà cho vợ ông ta, hiệu quả đạt được cũng không hề kém.
Viết thư là một cách để trao đổi tư tưởng, tình cảm của bạn. Cùng với sự phát triển của ngành thông tin và công nghệ máy tính ra đời, rất nhiều người sử dụng điện thoại, fax, thư điện tử... để liên lạc với nhau; ít khi viết thư cho nhau. Thực ra, ai ai cũng muốn có người bạn để tâm tình, lúc đó thư tín là một phương thức tốt nhất. Trong một bức thư, bạn không phải quá lo lắng vì có thể giao lưu tương đối thoải mái. Có lẽ, bạn chỉ cần bỏ ra vài phút cũng đã có thể tương đương với việc cùng họ giao lưu trong vài giờ liền rồi. Do vậy, thư mang lại không gian tưởng tượng rất lớn. Đương nhiên cần phải chú ý: chữ viết trong thư không thể quá cẩu thả, cũng không nên dùng cách đánh máy dễ làm cho người ta có cảm giác không chân thành.
VII. Những doanh nghiệp có quan hệ rộng không hề bị thua thiệt
Sự thành công của con người có quan hệ rất lớn tới nhân duyên, cũng giống như sự thành bại của một doanh nghiệp cũng có mối quan hệ rất lớn đến vai trò của các bộ phận trong doanh nghiệp đó. Một doanh nghiệp lớn phải ý thức được điều đó để tính toán đến lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp và xã hội và cần phải luôn cố gắng để tạo dựng nên một hình ảnh đẹp cho chính mình. Đây vừa là yêu cầu khách quan trong thời buổi cạnh tranh gay gắt này, vừa phù hợp tới lợi ích chung của công chúng trong xã hội. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp phải xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với công chúng trong xã hội.
1- Doanh nghiệp cần có quan hệ với người tiêu dùng
Người tiêu dùng là những người tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, họ có thể là một cá nhân hay một tổ chức nào đó. Ở những nước có nền kinh tế hàng hóa phát triển, những người này được coi là Thượng đế của doanh nghiệp và đó là một quan điểm hoàn toàn đúng đắn. Do đối tượng chủ yếu của doanh nghiệp là người tiêu dùng, nên mọi suy nghĩ và hành động đều phải xuất phát từ lợi ích của họ, đó chính là bí quyết của sự thành công của nhiều doanh nghiệp.
Với người tiêu dùng, mua hàng mới chỉ là sự bắt đầu, tiêu dùng còn phải có cả một quá trình, bắt đầu từ trả tiền lấy hàng, đóng gói vận chuyển, lắp đặt, sửa chữa những sự cố cho tới tận khi sản phẩm hết khả năng sử dụng. Tất cả các khâu đó, người tiêu dùng và nhà sản xuất đều phải có quan hệ với nhau; doanh nghiệp cần phải suy nghĩ cho cả quá trình này để mang lại cho người tiêu dùng sản phẩm tốt nhất, phục vụ họ nhiệt tình, theo dõi cả quá trình sử dụng sản phẩm của họ cho tới cùng.
Sản phẩm tốt là cơ sở vật chất của mối quan hệ tốt giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Quan hệ với khách hàng được hình thành bởi họ mua sản phẩm của mình, cho nên nếu không cung cấp sản phẩm tốt cho họ thì mối quan hệ đó sẽ không ổn định. Vì vậy, phải căn cứ theo yêu cầu của họ để cung cấp những sản phẩm tốt nhất.
Doanh nghiệp có đưa ra được chế độ phục vụ sau bán hàng tốt hay không cũng là một vấn đề quan trọng để xử lý mối quan hệ giữa hai bên. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp thực hiện chế độ "ba đảm bảo" (đảm bảo sửa chữa, đổi hàng và trả lại hàng) cho khách, đó là một tiến bộ lớn so với trước kia khi hàng ra khỏi cửa là hết trách nhiệm, nhưng cũng còn lâu mới đạt tới yêu cầu làm khách hàng thực sự hài lòng và yên tâm, mà chỉ mới đạt tới mức mang lại lòng tin cho khách "có bệnh thì chữa" mà thôi.
Giải quyết những khúc mắc chính là điều chỉnh và giải quyết những mâu thuẫn, hiểu lầm giữa hai bên. Trong quá trình đó cần phải có thái độ thành khẩn, phải kịp thời và nhanh chóng trả lời và giải quyết những vấn đề do khách hàng đưa ra.
2. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và đơn vị cung ứng
Trong quá trình kinh doanh sản xuất, thái độ của người tiêu dùng có ảnh hưởng mang tính quyết định đến những phát sinh trong mối quan hệ giữa hai bên, nhưng cũng không thể coi nhẹ mối quan hệ với cơ quan, đơn vị cung ứng.
Sản xuất công nghiệp hiện đại ngày càng phức tạp, doanh nghiệp muốn duy trì sản xuất bình thường, tất nhiên phải dựa vào đơn vị cung ứng, vì họ cung cấp các loại nguyên liệu, linh kiện, thiết bị, năng lượng... Mặt khác, nhà cung ứng có thể cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện với chất lượng tốt, giá rẻ hay không cũng trực tiếp ảnh hưởng chất lượng sản phẩm và chế độ phục vụ sau bán hàng của doanh nghiệp. Ngoài ra, đơn vị cung ứng còn có thể cung cấp cho doanh nghiệp những tin tức về thị trường, nguyên liệu, giá cả, thương phẩm và xu thế tiêu dùng và cả các động thái thương trường, tất cả những cái đó đều là những tin tức rất quý giá. Điều đó cho thấy, duy trì được mối quan hệ tốt đẹp với đơn vị cung ứng là một biện pháp quan trọng để nâng cao lợi ích của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp hiện đại khi kinh doanh luôn đặc biệt nhấn mạnh tới việc xây dựng mối quan hệ hai bên cùng có lợi với đơn vị cung ứng và mối quan hệ hợp tác thân thiết, thậm chí còn đưa ra một số nguyên tắc cụ thể. Ví dụ như hai bên vừa độc lập tự chủ lại vừa tôn trọng quyền tự chủ của mỗi bên, hai bên thực thi tiêu chuẩn quản lý chung để có quan hệ tốt hơn, hoạt động thương mại của hai bên cần phải suy nghĩ tới lợi ích của người tiêu dùng...
Mối quan hệ này được duy trì chủ yếu dựa vào các nhân viên mua - bán hàng, do đó cần phải coi trọng những nhân viên này, thông qua họ để thiết lập mối quan hệ tốt đẹp giữa hai đơn vị. Ngoài ra, cần phải thúc đẩy việc trao đổi tin tức giữa hai bên. Phương thức trao đổi đó có thể bao gồm: thăm viếng cá nhân, mở các buổi chiêu đãi, đón tiếp khách đến thăm, mở các cuộc toạ đàm, mời đối tác đến thăm quan đơn vị..., còn có thể sử dụng các phương tiện báo chí, truyền hình, các tạp chí nghiệp vụ; quảng bá các báo cáo, các chính sách có liên quan và nhiều vấn đề khác để tăng khả năng hiểu biết và hợp tác lẫn nhau.
3- Doanh nghiệp và đơn vị cung tiêu
Trong thời đại kinh tế hàng hóa hiện đại này, "thị trường" là một khái niệm rất rộng. Cùng với việc các thông tin, vận tải và quan niệm của mọi người đã được thời đại hoá, bất kỳ sự xa cách nào về địa lý, hành chính đều không ngăn cản được sự lưu thông của hàng hoá. Trong tình hình đó, việc tiêu thụ sản phẩm từ thời buổi ban đầu tự cung tự tiêu đã chuyển sang hướng ngày càng phụ thuộc vào đơn vị cung tiêu (chuyên lo khâu lưu thông hàng hoá). Trước mắt, rất nhiều đơn vị sản xuất bán sản phẩm theo phương thức này, về cơ bản có hai dạng - một là trực tiếp tiêu thụ và hai là do đơn vị cung tiêu bán trao tay cho khách hàng. Đương nhiên, cách thứ nhất sẽ hạ giá thành sản phẩm hơn, có lợi cho người tiêu dùng và danh tiếng của doanh nghiệp. Nhưng hiện nay, phần lớn doanh nghiệp chọn cách thứ hai, giao phần lớn và cũng có thể là toàn bộ sản phẩm cho đơn vị cung tiêu để họ tiêu thụ, do đó mối quan hệ giữa doanh nghiệp và đơn vị này phải rất mật thiết và nó trở thành một bộ phận quan trọng trong các mối quan hệ đối ngoại của doanh nghiệp.
Đơn vị cung tiêu đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm, do đó quan hệ giữa doanh nghiệp và họ luôn là quan hệ hợp tác, hữu hảo, trong sáng, có thể thúc đẩy công tác tuyên truyền cho sản phẩm và duy trì tiếng tăm cũng như thanh danh của doanh nghiệp. Đương nhiên, sản phẩm của doanh nghiệp có chất lượng tốt, giá rẻ, mẫu mã mới, tiêu thụ tốt, hàng cung cấp nhanh chóng - tất cả những cái đó là những đảm bảo căn bản để duy trì việc kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải đưa ra các chế độ phục vụ thuận lợi nhất cho bộ phận tiêu thụ sản phẩm - ví dụ như các loại phục vụ về kỹ thuật, định kỳ tổ chức giới thiệu phương pháp sử dụng sản phẩm, duy trì các lớp tập huấn bảo dưỡng kĩ thuật cho các nhân viên tiêu thụ để họ hiểu tính năng của sản phẩm, giúp các nhân viên cải tiến phương pháp tiêu thụ, quản lý khâu dịch vụ, xây dựng kế hoạch tiêu thụ sản phẩm, cải tạo cửa hàng, kho tàng, cải tiến phương pháp xuất hàng...
Xúc tiến mối quan hệ với đơn vị cung tiêu cần phải dựa vào sự trao đổi thông tin lẫn nhau về tình hình kinh doanh cơ bản và tính năng sản phẩm của doanh nghiệp, giúp họ hiểu rõ tiềm năng sản xuất mà tính toán sẵn để có thể mạnh dạn lập kế hoạch tiêu thụ sản phẩm. Ngược lại, doanh nghiệp cũng thông qua trưng cầu ý kiến của phía đối tác, hai bên thường xuyên tiếp xúc gặp gỡ nhau để mối quan hệ hợp tác này càng chặt chẽ hơn.
4- Quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ quan khoa học kỹ thuật
Có thể nói, mối quan hệ này là mối quan hệ hai bên cùng có lợi, là mối quan hệ hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau.
Sự hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ quan khoa học, giáo dục có ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Bởi vì tất cả các trường học đều đào tạo ra những công nhân viên chức cho xã hội, cho nên doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục, trên thực tế chính là đào tạo nhân tài cho mình. Đồng thời, các trường Đại học, các Viện nghiên cứu cũng giúp doanh nghiệp những kĩ thuật mới nhất, giúp cải tiến công nghệ; còn doanh nghiệp có thể cung cấp nhà xưởng, phương tiện để cho cơ quan khoa học nghiên cứu.
Cơ sở của mối quan hệ này là hai bên đều có lợi, cùng nhau hợp tác. Nhưng muốn hợp tác được tốt phải tìm hiểu nhu cầu của đối tác và điều kiện mà mình có thể đưa ra, trên cơ sở đó để xác định hạng mục hợp tác. Ví dụ: doanh nghiệp có thể tạo điều kiện cho học sinh tới thực tập hoặc cung cấp tư liệu tham khảo, cung cấp kinh phí cho nhà trường để nghiên cứu khoa học; cử người có liên quan tới nghe các bài giảng chuyên đề... Ngược lại, trường học có thể đào tạo, bồi dưỡng cho viên chức của doanh nghiệp đưa ra các thành quả nghiên cứu để cùng hợp tác, nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới, kỹ thuật mới.
Chỉ cần xử lý thật tốt các mối quan hệ trên, doanh nghiệp của bạn ắt thành công.
VIII. Tình người là một tài sản vô giá
Cạnh tranh thương trường đương nhiên là rất gay gắt và tàn khốc, nhưng cũng có lúc lại cần phải biểu lộ tình cảm ấm áp. Trong thương trường, có lúc bạn cảm thấy cần phải giúp đỡ một người bạn nào đó làm một việc gì đấy chẳng hạn, nhưng tình người đó lại có thể tạo thành một gánh nặng tâm lý cho đối tác.
Tình người trong thương trường nhằm tới cái đích là để cho người khác cảm thấy nợ anh một chút tình; nhưng nếu làm một việc tốt cho người khác mà lại muốn được đền đáp lại thì hiệu quả sẽ giảm đi rất nhiều.
Một số ông chủ có thói quen ghi lại những việc tốt bản thân làm cho người khác và những việc tốt mà người khác làm cho mình để so sánh cân nhắc, làm như vậy thật không thông minh chút nào.
Một ông chủ sáng suốt cần phải biết làm thế nào để có được tình người với nhân viên của mình và những ai không cần phải làm như vậy.
Ví dụ: anh giúp đỡ một người bạn của ai đó mà căn bản đối tác lại không hề biết chuyện đó thì đương nhiên họ sẽ không thể biết để cảm ơn anh được, việc làm đó coi như bằng không. Sau khi bạn làm một việc tốt cho người khác cũng cần phải cho họ biết.
Tình người thuần túy cũng là chuyện thường gặp trong thương trường nhưng nếu bạn làm quá lộ liễu lại rất dễ bị hiểu lầm hoặc gây cho họ cảm giác nợ nần. Mặt khác, dụng ý tốt của bạn chưa chắc đã phù hợp với lợi ích của người khác, rất có thể làm họ nổi giận hoặc không cảm kích gì cả. Ví như việc cứu một người đang sắp chết đuối, nếu bạn dùng sức quá mạnh để lôi anh ta chẳng may làm gãy cả tay anh ta thì tuy cứu được người nhưng họ đâu có cảm ơn anh.
Phương pháp sáng suốt là bỏ ra chút thời gian đến thăm một ai đó, mời họ tới một nhà hàng tương đối có tiếng tăm để cùng ăn cơm và cùng nói chuyện, những câu chuyện mà bình thường chỉ cần nói một hai phút là xong: Hoặc cũng có thể gọi điện thoại cho họ hoặc viết một bức thư dài để bày tỏ tư tưởng của mình.
Có lúc, tình người khiến người ta cảm động nhất lại là gián tiếp. Vigny và Bowb là bạn buôn bán với nhau, Vigny biết được con trai bạn mình là một fan hâm mộ cuồng nhiệt của ca sỹ người Mỹ Jackson, ông bèn gọi điện cho bạn hỏi xem con trai bạn có thích đi xem buổi biểu diễn của ca sỹ này do chính ông đứng ra tổ chức hay không, cậu con trai biết tin vô cùng vui sướng, còn ông bạn cũng vô cùng cảm kích.
Nếu bạn muốn quan hệ giữa bạn và một người bạn khác càng thân thiết hơn thì hãy làm một việc gì đó cho con cái của họ. Con cái vui vẻ thì chắc chắn bố mẹ chúng cũng rất vui vẻ. Việc này có lúc rất dễ làm, nhưng để cho người khác cảm động vì sự lương thiện của bạn lại không dễ dàng, làm việc tốt cho con cái họ còn tốt hơn nhiều là làm việc tốt cho chính bản thân họ.
Gia đình của người bạn là một yếu tố vô cùng quan trọng. Liệu bạn có quan tâm hoặc bỏ thời gian để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của họ chưa? Thực ra, gia đình họ chính là nơi chứa năng lượng thông tin rất lớn.
Nếu bạn muốn là người tràn đầy tình cảm khiến người khác cảm kích, bạn hãy trở thành người trung gian giữa họ, đưa những người không trực tiếp ảnh hưởng gì tới bạn xích lại gần nhau, như vậy cả hai bên đều sẽ nhớ tới công lao của bạn.
Nhưng tình người dù lớn hay nhỏ, dù dài hay ngắn thì điểm quan trọng nhất vẫn là phải để cho đối tác biết vì sao bạn làm được hoặc không làm được.
Tuy đó chỉ là những việc nhỏ nhưng người ta lại nhớ rất lâu. Tuy với mình chỉ là chuyện nhỏ nhặt, cũng không phải là chuyện phải hứa hẹn điều gì nhưng lại in rất lâu trong tâm trí người khác. Thời gian cứ thế qua đi, nhưng rất có thể đến một ngày nào đó, người ta lại đột nhiên nhắc tới chuyện đó và nhớ ngay tới bạn, nhớ tới những điểm tốt của bạn; chính ấn tượng tốt đẹp và sâu sắc đó sẽ làm cho cuộc sống của bạn và việc làm ăn của bạn thu được lợi rất lớn. Tình người rõ ràng là một thứ của cải quý giá không thể cân đong đo đếm được trong các hoạt động kinh doanh của bạn, nó sẽ làm cho cuộc sống thêm phong phú, thực hiện được giá trị của bạn và thực hiện những hành động lý tưởng. Tất cả những cái đó, suy cho cùng, sẽ làm cho bạn hạnh phúc, tạo ra cho bạn ý thức tin vào sự thành công trong sự nghiệp của mình. Nói tóm lại, bạn sẽ trở nên luôn luôn vui vẻ, yêu đời. Mà tình người không chỉ mang lại của cải cho bạn, mà còn có thể làm cho bạn vui vẻ, được mọi người yêu quý. Cần nhớ rằng "gian thương" chỉ tạo ra sự đắc ý nhất thời, chứ không mang lại một cuộc đời đẹp đẽ, thi vị được. Chỉ có “làm việc thiện vì người"; "cùng nhau phát tài" mới làm cho bạn thành công mãi mãi và không bao giờ cảm thấy cô đơn mà thôi.
0 Nhận xét